Các doanh nghiệp sản xuất có hóa giải được ‘bài toán’ thiếu hụt đơn hàng?
Để hóa giải “bài toán” thiếu hụt đơn hàng mới trong thời gian tới do biến động thuế quan đang cần các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam tận dụng tối đa những cơ hội, thời điểm quan trọng. Song song đó, mặc dù không quá bi quan và cũng không quá lạc quan, họ nên có chiến lược tăng trưởng bài bản, dài hạn ở thị trường mới lẫn cũ.
Dự báo mới nhất về xu hướng của xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam trong tháng 5 và 6/2025, bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), cho rằng sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trước khi chính sách thuế quan đối ứng mới của Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 9/7/2025.
Không bi quan nhưng cũng không quá lạc quan
Theo bà Hằng, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh XK sang Hoa Kỳ, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra, nhằm tận dụng tối đa giai đoạn trước khi thuế quan mới làm tăng chi phí. Dự kiến kim ngạch XK sang thị trường này có thể tăng 10-15% so với tháng 4/2025, nhờ các hợp đồng được ký kết gấp rút và chiến lược giảm giá để duy trì thị phần.
Để hóa giải “bài toán” thiếu đơn hàng, điều mà các nhà sản xuất Việt cần làm là có chiến lược tăng trưởng bài bản và dài hạn ở thị trường truyền thống lẫn thị trường mới. |
Vị Phó tổng thư ký Vasep lưu ý XK sang các thị trường khác như Trung Quốc và ASEAN có khả năng chững lại, với mức tăng trưởng chỉ khoảng 3-5%. Nguyên nhân là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ sản phẩm thủy sản Trung Quốc, vốn bị áp thuế cao tại Hoa Kỳ và buộc phải chuyển hướng sang thị trường nội địa cũng như các thị trường lân cận như ASEAN.
“Sự cạnh tranh này sẽ làm giảm sức hút của sản phẩm Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ. EU và Nhật Bản có thể duy trì tăng trưởng ổn định (khoảng 8-10%), nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng không đủ bù đắp sự chững lại ở Trung Quốc và ASEAN”, bà Hằng chia sẻ.
Đứng ở góc độ một DN hàng đầu về XK cá tra, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), nói rằng đơn hàng trong quý 2/2025 cũng không khó đoán, khi các DN tranh thủ xuất hàng đi Mỹ trong thời gian hoãn thuế 90 ngày. Về cơ bản, công ty ưu tiên tăng XK vào Mỹ nhưng vẫn đảm bảo lượng hàng cho các thị trường ngoài Mỹ.
Lãnh đạo của VHC khẳng định đến hiện tại không quá bi quan để rút lui ở Mỹ. Không quá bi quan và cũng không quá lạc quan, cá tra sẽ bình ổn được trong bất cứ tình huống nào. Kịch bản áp thuế mức nào cũng cần có thời gian để xem sức chịu đựng của người tiêu dùng Mỹ. Nên để người tiêu dùng Mỹ đấu tranh vì ảnh hưởng đến sức mua và phía nhà nhập khẩu cũng phải đấu tranh giảm thuế.
Còn với XK dệt may, có thể kể đến một DN lớn chuyên may công nghiệp XK là CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đang tận dụng cơ hội đẩy mạnh XK sang thị trường Mỹ trong khoảng thời gian 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng. Đến nay công ty đã chốt đơn hàng đến tháng 7 và 8/2025 đối với thị trường Mỹ và đến tháng 10/2025 đối với thị trường EU, thậm chí có kế hoạch dài hạn đến hết năm 2025 với một số khách hàng châu Âu.
Bên cạnh đó, DN này đang từng bước chuyển dịch sang sản xuất các mặt hàng có độ khó và yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhằm gia tăng giá trị trung bình trên mỗi đơn hàng, qua đó bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại một số thị trường.
Thực ra, TNG vẫn đang đối mặt với không ít thách thức từ biến động của thị trường toàn cầu với chính sách thuế quan của Mỹ, với sự cạnh tranh từ các quốc gia như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo TNG, trong ngắn hạn, việc Mỹ áp dụng mức thuế quan mới có thể khiến nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may suy giảm. Hiện tại, các khách hàng của TNG đang chấp nhận chịu phần tăng thêm của mức thuế 10% để tránh việc tăng giá đối với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong trường hợp mức thuế quan tăng cao hơn nữa, các đối tác có thể buộc phải điều chỉnh giá bán, dẫn đến khả năng người tiêu dùng Mỹ sẽ hạn chế chi tiêu. Nhưng về dài hạn, phía TNG tin rằng người tiêu dùng sẽ dần thích nghi với mặt bằng giá mới và quay trở lại với nhu cầu mua sắm như trước.
Trong đánh giá mới đây, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS đã chỉ rõ việc TNG chủ động ứng phó với thuế nhập khẩu của Mỹ. Cụ thể, phía TNG chủ động đa dạng hóa thị trường, tăng cường khai thác các thị trường có FTA với Việt Nam như châu Âu, Canada, Mexico và Nga để tránh sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Tỷ trọng thị trường Mỹ trong tổng đơn hàng đã ký đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 26% (năm 2024 là 38%), cho thấy rủi ro đã được giảm thiểu khá nhiều.
Nên có chiến lược tăng trưởng bài bản
Bên cạnh đó, TNG đang từng bước chuyển dịch sang sản xuất các mặt hàng có độ khó và yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhằm gia tăng giá trị trung bình trên mỗi đơn hàng, qua đó bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại một số thị trường.
Trong khi đó, với trường hợp của CTCP May Sông Hồng (MSH) với thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng XK đến 80%, hiện nay khối lượng đơn hàng đã được đảm bảo đến tháng 7-8/2025 và chưa nhận được bất kỳ yêu cầu hủy đơn nào từ khách hàng. Tuy nhiên, theo giới quan sát, triển vọng cho quý 4/2025 của công ty này vẫn còn nhiều bất định, khi ngay cả các thương hiệu lớn cũng chưa có kế hoạch rõ ràng.
DN này đã nhận được yêu cầu từ khách hàng về việc đẩy nhanh tiến độ giao hàng để tận dụng thời gian tạm hoãn thuế quan. Để tăng lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới, MSH sẽ tập trung hướng tới các thương hiệu có giá bán lẻ cao hoặc chất lượng cao. Lãnh đạo công ty kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc các thương hiệu chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam mặc dù có những đối thủ cạnh tranh tiềm năng như Ấn Độ và Bangladesh.
Có thể nói để có được đơn hàng hay không đang tùy thuộc rất lớn vào năng lực, sự chủ động tìm kiếm đối tác của bản thân DN. Và không phải DN sản xuất nào cũng may mắn có được đơn hàng XK.
Như trong báo cáo mới nhất của S&P Global đưa ra hôm 5/5 cho thấy Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam giảm mạnh còn 45,6 điểm trong tháng 4/2025 do thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Theo đó, các công ty đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của số lượng đơn đặt hàng mới, XK và sản lượng.
Chính vì vậy, việc hóa giải “bài toán” thiếu đơn hàng với các DN sản xuất của Việt Nam rất quan trọng trong lúc này. Theo giới chuyên gia, điều mà các nhà sản xuất Việt cần làm là nên có chiến lược tăng trưởng bài bản và dài hạn ở thị trường truyền thống lẫn thị trường mới.
Chẳng hạn, để tận dụng lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị phần trên thị trường XK cả mới lẫn cũ thì các DN sản xuất cần có chiến lược nâng cấp năng lực sản xuất và chế biến (như đầu tư công nghệ hiện đại, nâng tỷ trọng chế biến sâu, với DN thực phẩm thì nên phát triển các dòng sản phẩm chế biến sẵn mang hương vị truyền thống Việt Nam). Mặt khác, họ cần xây dựng thương hiệu và mạng lưới phân phối, cũng như tăng tốc marketing và hiện diện thương mại ở những thị trường tiềm năng.
Thế Vinh