Doanh nghiệp BĐS thời bĩ cực: Số thành lập mới giảm 56%, lượng giải thể tăng

 Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, có 756 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các doanh nghiệp thành lập mới và giải thể trong 7 tháng năm 2023, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm nhiều nhất so với cùng kỳ năm 2022 với 2.622 doanh nghiệp, giảm 56,2%.

Lĩnh vực này cũng có 756 doanh nghiệp giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong các ngành.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của thị trường BĐS giai đoạn hiện nay là do xu hướng điều chỉnh chung của thị trường BĐS thế giới và Việt Nam sau hơn 2 năm tăng trưởng khá nóng; vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời; nguồn vốn bị thu hẹp; nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư giảm nhanh; quan hệ cung cầu khiến giá cả chưa hợp lý...

Trong những lý do này, theo các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do 2 nút thắt lớn nhất đó là vốn và pháp lý.

Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam vừa công bố trong tháng 7/2023, đến cuối quý III, khả năng thị trường phân khúc bình dân sẽ có dấu hiệu hồi phục một cách rõ rệt hơn. 

Báo cáo khuyến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và chi tiết về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các đối tượng trong việc soát xét, thẩm định, phê duyệt hồ sơ nhằm sớm chấm dứt tình trạng hồ sơ, văn bản của doanh nghiệp bị “om” và “đùn đẩy”, gây mất thời gian, tốn nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đạt 4.45 tỷ USD, tăng 1.85 tỷ USD (70%) so với năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.

Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 12/7/2023, cả nước đã thu hút 67.161 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó, TP. HCM là địa phương dẫn đầu với 16.3 tỷ USD, xếp sau là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phân theo đối tác thì Singapore dẫn đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 19.1 tỷ USD; xếp sau lần lượt là Hàn Quốc, BritishVirginIslands và Nhật Bản.

Lượt xem: 14
Tác giả: Trần Lê
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật