Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đến Senegal
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Quốc hội hai nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Senegal.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TTXVN
TTXVN đưa tin, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Senegal, chiều 23.7 theo giờ địa phương, tại thủ đô Dakar, Senegal, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Senegal Malick Ndiaye dự Tọa đàm chính sách thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Senegal, sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Senegal cho biết thương mại song phương có nhiều triển vọng phát triển trong năm nay. Việt Nam là đối tác thương mại chiến lược của Senegal, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, Senegal đang nhập khoảng 10% lượng gạo từ Việt Nam đồng thời xuất khẩu chủ yếu là hạt điều, thủy sản, bột cá, thức ăn gia súc… sang Việt Nam.
Việt Nam với nền công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ đang trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều quốc gia phương Nam, trong đó có Senegal. Hiện nay trong bối cảnh khu vực và thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các quốc gia trong đó có Việt Nam và Senegal càng phải tăng cường đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, đúng với tinh thần “muốn đi nhanh thì đi một mình còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau" - Chủ tịch Quốc hội Senegal nhấn mạnh.

Bày tỏ ấn tượng với phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Senegal Malick Ndiaye, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng lợi thế, tiềm năng hợp tác giữa 2 nước là rất lớn. Việt Nam có nhiều thế mạnh có thể hợp tác với Senegal, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; viễn thông; hạ tầng số; khai khoáng; nuôi trồng thủy sản; xây dựng, đầu tư hạ tầng cơ sở.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Quốc hội hai nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Senegal; kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đến Senegal, đồng thời mong muốn Quốc hội Senegal tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đầu tư tại đây.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kỳ vọng các thỏa thuận được ký kết giữa các bộ, ngành, các doanh nghiệp, tập đoàn hai nước sẽ sớm được hiện thực hóa thông qua các chương trình hợp tác cụ thể trong thời gian tới.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ về tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư cũng như những hướng đi mới cho hợp tác hai bên thời gian tới.
Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án tại các quốc gia đang phát triển với sứ mệnh chuyển giao khoa học - công nghệ - kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ các quốc gia đó trong việc phát triển ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và tiến tới xuất khẩu.
Việt Nam có thể giúp các quốc gia châu Phi xây dựng các dự án, quy hoạch tổng thể đất nông nghiệp, quy hoạch chi tiết về sử dụng đất, hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật về nông nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo tại Việt Nam hoặc tại nước chủ nhà để nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, cho cán bộ quản lý, các nhà hoạch định chính sách.
Đại diện bộ, ngành, doanh nghiệp Senegal cho rằng, với vị trí chiến lược ở Tây Phi, nền kinh tế năng động và sự ổn định chính trị, Senegal đang nổi lên như một trung tâm kinh tế của khu vực; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và công nghệ thông tin.