Người dân thua kiện trong vụ đòi chủ đầu tư siêu dự án trả 2.100 tỷ đồng
Tòa cho rằng, chủ đầu tư dự án Công viên Mũi Ðèn Ðỏ đã thanh toán tổng cộng hơn 1.473 tỷ đồng tiền đất cho các hộ dân, nên không chấp nhận đơn kiện.
Vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa 17 hộ dân (nguyên đơn) và Công ty Sài Gòn Penisula (bị đơn, chủ đầu tư dự án Công viên Mũi Ðèn Ðỏ) được TAND TP HCM xét xử phúc thẩm hồi cuối tháng 7.
Tòa đã bác tất cả yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trả tổng cộng hơn 2.100 tỷ đồng gồm hơn 1.473 tỷ là tiền chuyển nhượng đất và lãi suất từ năm 2008 đến thời điểm khởi kiện.
Theo HĐXX, các tài liệu thể hiện phía Công ty Sài Gòn Penisula đã thanh toán đủ số tiền cho các nguyên đơn. Cụ thể, từ 2007 đến 2008, nguyên đơn đã ký các hợp đồng ủy quyền (có công chứng) cho các ông Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Hữu Tài, Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Văn Sinh, Hồ Quang Tri... được quyền thế chấp, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trong dự án. Thời hạn uỷ quyền 8-10 năm.
Trên cơ sở những hợp đồng uỷ quyền này, những người được uỷ quyền đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Peninsula. Các nguyên đơn đều khẳng định đã giao bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình cho các ông Hà, Tài, Sinh, Mỹ, Tri.
Cũng từ các hợp đồng uỷ quyền, Công ty Peninsula đã thực hiện việc trả tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho những người được uỷ quyền. Điều này được thể hiện qua các bảng đối chiếu công nợ, bản báo cáo tình hình bồi thường dự án có xác nhận của UBND phường Phú Thuận. Ngoài ra, các bản giao kết viết tay giữa người được uỷ quyền với các hộ dân thể hiện rõ số tiền các ông Tài, Sinh, Hà, Mỹ... phải trả cho các hộ dân. Cuối các trang giấy này đều ghi "đã nhận đủ số tiền còn lại" và các nguyên đơn đã ký ghi rõ họ tên.
"Hiện công ty quản lý, sử dụng phần đất chuyển nhượng và giữ tất cả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nêu trên. Điều này chứng minh Công ty Peninsula và những người đại diện uỷ quyền cho nguyên đơn đã thực hiện xong về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp nêu trên", bản án nêu.
Phối cảnh dự án Khu công viên Mũi đèn đỏ và nhà ở đô thị. Ảnh: Saigon Peninsula |
Theo hồ sơ vụ kiện, 118 ha đất khu Mũi Ðèn Ðỏ có vị trí đắc địa tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, được UBND TP HCM quy hoạch thành khu công viên. Năm 2007, Công ty cổ phần Đại Trường Sơn (nay là Công ty Sài Gòn Penisula) được thành phố chấp thuận là chủ đầu tư thực hiện Dự án công viên Mũi Ðèn Ðỏ và khu nhà ở đô thị.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD, dự án là khu phức hợp gồm công viên đa chức năng, văn phòng, biệt thự, căn hộ, khách sạn... và bến cảng du thuyền quốc tế lớn nhất Việt Nam.
Dự án này thuộc diện Nhà nước thu hồi đất giao cho chủ đầu tư triển khai, song Công ty Sài Gòn Penisula đề xuất được tự thỏa thuận đền bù đất với các hộ dân để đẩy nhanh tiến độ dự án và được UBND thành phố chấp thuận. Đến giữa năm 2011, UBND phường Phú Thuận công bố quyết định của UBND TP HCM về việc triển khai dự án, tổ chức họp để lấy ý kiến khu phố, tổ dân phố và đại diện người dân. Các hộ dân có đất thuộc khu vực này sau đó đã chuyển nhượng quyền sử dụng cho Công ty Sài Gòn Penisula.
Tuy nhiên, năm 2019, 17 hộ dân cho rằng Công ty Sài Gòn Penisula vẫn chưa thanh toán tiền chuyển nhượng đất như cam kết nên kiện ra tòa.
Trong đơn khởi kiện, các hộ dân cho biết, từ 2007 đến 2008, họ đã ký các hợp đồng ủy quyền (có công chứng) cho các ông Hà, Tài, Mỹ thay mặt họ ký hợp đồng chuyển nhượng đất với Công ty Sài Gòn Penisula. Phía nguyên đơn đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến nay Công ty Sài Gòn Penisula vẫn chưa thanh toán tiền chuyển nhượng đất như đã cam kết nên các hộ vẫn quản lý, canh tác.
Phía nguyên đơn yêu cầu chủ đầu tư trả tổng cộng 2.100 tỷ đồng gồm tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất và lãi suất từ khi ký hợp đồng đến nay.
Bị đơn không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn bởi đã hết thời hiệu khởi kiện. Hơn nữa, phía bị đơn cho rằng đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người đại diện theo uỷ quyền của các hộ dân.
Bị đơn cho rằng, theo quy định tại điều 429 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trong trường hợp này thời hiệu khởi kiện phải được tính từ năm 2008. Tính từ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán đến khi khởi kiện đã là hơn 11 năm, do đó thời hiệu khởi kiện đã hết.
Về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán, trong những năm 2006-2007, các hộ dân đã uỷ quyền cho người đại diện toàn bộ quyền quyết định liên quan đến phần đất của mình. Công ty cùng lúc đã làm việc với những người được các hộ dân uỷ quyền để thoả thuận về việc bồi thường. Công ty đã ứng tiền trước cho những ông này và thoả thuận khi nào có đầy đủ hồ sơ pháp lý thì công ty và những người đại diện cho các hộ dân sẽ ký thoả thuận bồi thường dưới hình thức hợp đồng chuyển nhượng. Sau từng đợt ký các hợp đồng chuyển nhượng công ty và những người đại diện sẽ làm việc để quyết toán công nợ và ký xác nhận vào bảng đối chiếu công nợ giữa hai bên. Các thông tin về thửa đất, hợp đồng chuyển nhượng và số tiền bồi thường được liệt kê chi tiết trong các danh sách thoả thuận bồi thường năm 2008.
Phía bị đơn khẳng định đã thanh toán đầy đủ tiền bồi thường tất cả các mảnh đất cho người đại diện của nguyên đơn. Đến năm 2016, công ty đã thực hiện xây dựng hàng rào bao quanh toàn bộ khu đất của dự án và quản lý cho tới nay. Do đó, bị đơn đề nghị tòa đình chỉ xét xử yêu cầu của nguyên đơn và bác yêu cầu của nguyên đơn nếu tiếp tục xét xử.
Hồi tháng 3/2022, TAND quận 7 xử sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Các đồng nguyên đơn đều kháng cáo đề nghị TAND TP HCM xử phúc thẩm tuyên huỷ bản án sở thẩm, giao cho TAND quận 7 xử lại.
Theo nguyên đơn, tòa sơ thẩm chưa làm rõ việc bị đơn có thực sự chi trả tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các nguyên đơn cho những người được uỷ quyền hay không; chi trả thời gian nào; chi trả tiền mặt hay chuyển khoản. Tòa chỉ dựa vào các bảng kế toán do bị đơn tự lập, không xác minh, kiểm tra rõ ràng.
Tại tòa phúc thẩm, nguyên đơn và bị đơn đều giữ nguyên yêu cầu và các quan điểm trước đó.