Làm thế nào để đầu tư định kỳ trở thành công cụ tối ưu?
Đầu tư định kỳ là một phương thức tiếp cận thụ động đối với thị trường chứng khoán, giúp nhà đầu tư xây dựng khối tài sản bền vững theo thời gian. Đại đa số những nhà đầu tư khi lựa chọn đầu tư định kỳ tin đây là một ý tưởng tuyệt vời để khai thác sức mạnh của lãi kép theo thời gian. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, ngay cả khi nhà đầu tư đã lựa chọn một phương thức đầu tư thụ động như đầu tư định kỳ, có cách nào để có thể cải thiện, tối ưu hơn hiệu quả đầu tư hay không?
Đầu tư định kỳ cho phép nhà đầu tư mua một lượng chứng khoán cố định theo khoảng thời gian định kỳ, bất kể giá cả thị trường. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro do biến động giá và mang lại lợi ích trung bình giá vốn. Trên thị trường, những công ty quản lý tài sản là những người cổ xúy mạnh mẽ cho phương thức đầu tư định kỳ.
Những giả định quan trọng
Tuy vậy, có vẻ như những công ty này quên nói với nhà đầu tư rằng, có những giả định quan trọng khi bạn lựa chọn phương thức đầu tư định kỳ.
Đầu tiên, khi lựa chọn đầu tư định kỳ vào thị trường chứng khoán của một quốc gia, bạn phải tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của quốc gia đó.
Thứ hai, bạn phải tin rằng thị trường chứng khoán sẽ phản ánh đúng sự tăng trưởng đó.
Chúng ta sẽ cùng xem xét 2 giả định này đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đối với giả định thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Trong giai đoạn 2011-2023, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm của Việt Nam đạt khoảng 6%/năm, theo dự báo của Ngân hàng thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 6%/năm cho tới năm 2045 để trở thành một quốc gia có thu nhập cao nhờ lực lượng lao động dồi dào và đang cải thiện mạnh mẽ về chất lượng. Tuy nhiên, nền kinh tế luôn có tính chu kỳ và có thể gặp phải những cú sốc ngắn hạn. Việc nhận biết đúng chu kỳ kinh tế giúp nhà đầu tư đón đầu và phân bổ vốn hiệu quả. Thị trường chứng khoán thường phản ánh trước nền kinh tế từ 6 tháng đến 1 năm, do đó việc theo dõi các chỉ số kinh tế là cực kỳ quan trọng.
Đối với giả định thứ hai, thị trường chứng khoán luôn phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế trong dài hạn, nhưng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý và dòng tiền trong ngắn hạn, dẫn đến sự biến động và phi lý.
- Yếu tố tâm lý: Từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động vào năm 2000 đến nay, đã có không ít lần thị trường ảnh hưởng bởi các sự kiện và tin đồn dẫn đến tâm lý bán tháo, có thể kể đến như PMU18 (2006), Vinalines (2012), Bầu Kiên (2013), Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà (2018), vụ Tân Hoàng Minh, Trịnh Văn Quyết, Vạn Thịnh Phát (2022).
- Yếu tố dòng tiền: Giá cả thị trường được xác định bởi quy luật cung cầu. Dòng tiền vào thị trường chứng khoán nhiều thì giá cổ phiếu tăng, ngược lại dòng tiền rút ra thì giá giảm. Lãi suất, đặc biệt là lãi suất ngắn hạn, là một chỉ báo quan trọng phản ánh dòng tiền. Lãi suất cao thường làm giảm giá các tài sản tài chính và ngược lại. Dự đoán xu hướng lãi suất có thể giúp nhà đầu tư lựa chọn thời điểm đầu tư hợp lý. Đó là lý do tại sao dòng tiền trên thị trường chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền tệ.
Chúng ta có thể kiểm chứng điều này thông qua những cú sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong các giai đoạn:
- 2008-2009: Khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất cao để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế, chỉ số VN Index giảm mạnh từ khoảng 1,170 điểm vào tháng 3/2007 xuống dưới 300 điểm vào tháng 2/2009.
- 2011-2012: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Lãi suất cho vay lên tới 20-25% trong giai đoạn này, chỉ số VN Index giảm từ mức khoảng 500 điểm vào đầu năm 2011 xuống dưới 400 điểm vào cuối năm 2012.
- 2018: NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất và kiểm soát chặt chẽ tín dụng để kiềm chế lạm phát và rủi ro nợ xấu. Chỉ số VN Index giảm từ mức đỉnh khoảng 1,200 điểm vào tháng 4/2018 xuống khoảng 880 điểm vào cuối năm 2018.
Chúng ta có thể làm gì tốt hơn?
Với nhà đầu tư tin vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới mà không có thời gian theo dõi thị trường, không có chuyên môn để tự phân tích đầu tư thì đầu tư định kỳ là sự lựa chọn tối ưu. Nhưng sẽ tối ưu hơn nữa nếu như bạn biết cách sử dụng công cụ này một cách khôn khoan nhờ vào việc:
- Nhận biết đúng chu kỳ kinh tế (theo dõi các chỉ số kinh tế như GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, và các chỉ số sản xuất để nhận biết giai đoạn của chu kỳ kinh tế);
- Theo dõi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Để từ đó lựa chọn giai đoạn phân bổ việc đầu tư định kỳ với số tiền ít hay nhiều, qua đó tối ưu hơn kết quả đầu tư của mình. Theo nghiên cứu của Gary P. Brinson, L. Randolph Hood, và Gilbert L. Beebower vào năm 1986, được công bố trong bài viết "Determinants of Portfolio Performance", họ phát hiện rằng, hơn 90% biến động trong lợi nhuận của một danh mục đầu tư có thể được giải thích bởi quyết định phân bổ tài sản.
Đầu tư định kỳ là một phương án an toàn và hiệu quả để xây dựng khối tài sản trong dài hạn. Tuy nhiên, việc hiểu rõ chu kỳ kinh tế, dòng tiền ngắn hạn, và áp dụng các phương pháp phân tích kỹ thuật sẽ giúp nhà đầu tư cải thiện hiệu quả đầu tư đáng kể ngay cả khi đây chỉ là phương pháp đầu tư thụ động. Sự kỷ luật và phương pháp đầu tư đúng đắn là chìa khóa giúp nhà đầu tư đạt được mục tiêu tài chính bền vững.