Góc nhìn đầu tư 2024: Ngành Công nghệ thông tin - Tiềm năng lớn, cạnh tranh cao

Ngành công nghệ thông tin tạm chững lại trong năm 2023, nhưng được dự đoán sẽ lấy lại phong độ trong năm 2024. Nhờ vào các chính sách của Chính phủ và sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, ngành này sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Doanh thu chững lại trong năm 2023

Sau 4 năm tăng trưởng mạnh, ngành công nghiệp ICT bất ngờ sụt giảm trong năm 2023. Điều này chủ yếu do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và suy thoái kinh tế ở nhiều nước chưa có dấu hiệu phục hồi, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nói riêng. Doanh thu ngành công nghiệp ICT năm 2023 giảm 6 tỷ USD (4.05%) so với năm 2022. Số lượng doanh nghiệp ICT đăng ký thành lập chững lại đà tăng ở mức 67,278, tăng 6 doanh nghiệp (0.01%) so với năm 2022.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Việt Nam ở đâu trên bản đồ công nghệ thế giới

Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số thì đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số sẽ đạt 20% GDP.

Trên phương diện quốc gia, năng lực đổi mới sáng tạo (đo lường bằng GII - Global Innovation Index) của Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia, đứng trên Indonesia, Philippines và xếp chung nhóm với các quốc gia Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia. Trong khu vực châu Á, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc là các quốc gia xếp trong top 20 của thế giới.

Theo Báo cáo chỉ số an toàn thông tin toàn cầu GCI (Global Cybersecurity Index) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia được khảo sát.

Năng lực đổi mới sáng tạo và an toàn thông tin của các quốc gia ASEAN và một số nước Châu Á

Nguồn: WIPO và ITU

* Global Innovation Index (GII): chỉ số đổi mới toàn cầu là bảng xếp hạng hằng năm của các quốc gia theo năng lực và sự thành công trong đổi mới. Nó được bắt đầu vào năm 2007 bởi INSEAD và World Business.

* Global Cybersecurity Index (GCI): Chỉ số An toàn thông tin toàn cầu là một chỉ số tổng hợp đánh giá và so sánh mức độ cam kết đảm bảo an ninh mạng của các nước thành viên dựa trên 5 trụ cột: Pháp lý, Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực, Hợp tác.

* Độ lớn của hình tròn tương ứng với Chỉ số Phát triển CNTT của quốc gia đó. ICT Development Index (IDI): Chỉ số Phát triển CNTT là một công cụ tiêu chuẩn mà các chính phủ, cơ quan phát triển và nhà nghiên cứu có thể sử dụng để đo lường khoảng cách số và so sánh hiệu suất CNTT trong và giữa các quốc gia.

Doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh

Trên phương diện doanh nghiệp, người viết so sánh các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam là CTCP FPT (HOSE: FPT) và CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) với các doanh nghiệp hàng đầu ở các nước đang phát triển (Trung Quốc, Ấn Độ…) trong khu vực châu Á.

Nếu so sánh về số lượng nhân viên, các doanh nghiệp Ấn Độ vượt trội hoàn toàn so với mặt bằng chung (hàng trăm ngàn người). Vì vậy, người viết dùng các chỉ tiêu COGS/Nhân viên và Doanh thu/Nhân viên để đánh giá.

Quan sát đồ thị bên dưới, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản có vẻ đang làm rất tốt việc nâng cao hiệu suất lao động bình quân của nhân viên khi Doanh thu/Nhân viên đều rất cao (trên mức 100,000 USD/người/năm).

CMG có Doanh thu/Nhân viên ở mức trung bình so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh chi phí lại không quá tốt khi COGS/Nhân viên (tính theo USD) cao hơn cả các công ty lớn ở châu Á như Infosys Ltd, Tata Consultancy Services Ltd...

FPT khả quan hơn vì COGS/Nhân viên hiện đang ở mức gần như thấp nhất trong các tập đoàn công nghệ lớn ở châu Á. Khả năng cạnh tranh quốc tế của FPT rõ ràng là rất cao nhờ khả năng kiểm soát chi phí tốt.

Nếu tiếp tục cải thiện chỉ tiêu Doanh thu/Nhân viên trong tương lai, FPT sẽ dễ thành công hơn các doanh nghiệp khác ở Việt Nam khi “Go Global”.

Năm 2023 thị trường CNTT sụt giảm 4.05%, nhưng trong 11 tháng năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 47,201 tỷ đồng và lãi trước thuế 8,545 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 20% và 19% so với cùng kỳ.

So sánh các công ty công nghệ Việt Nam và châu Á

(Đvt: USD)

Nguồn: VietstockFinance và Investing

Người viết sử dụng phương pháp định giá Sum of The Parts (SOTP) để định giá FPT. Mức định giá SOTP cho doanh nghiệp ở mức 123,697 đồng/cp. Như vậy, mức giá thị trường hiện tại đang ở mức giá rất hợp lý so với kết quả của mô hình và khá thích hợp cho đầu tư dài hạn.

Nguồn: VietstockFinance

Lượt xem: 14
Tác giả: Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật