Giữ mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công
Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công là do việc tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương còn nhiều bất cập.
Các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, bám sát các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu đạt 95% kế hoạch
Ngày 17-10, tại TP HCM, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ Công tác số 3 của Chính phủ, đã có cuộc làm việc với 5 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Trước đó, chiều 16-10, Tổ Công tác số 3 đã làm việc với tỉnh Bình Phước.
Thấp so bình quân cả nước
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thông tin tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho vùng Đông Nam Bộ là hơn 128.580 tỉ đồng. Số vốn đã phân bổ là 147.371 tỉ đồng. Trong đó, 5 tỉnh được phân bổ ngân sách địa phương tăng so với kế hoạch được giao vì tăng thu các nguồn do địa phương quản lý (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tổng số vốn ước giải ngân đến ngày 30-9 của 6 địa phương trong vùng - TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 45.594 tỉ đồng, đạt 35,46% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân cả nước (47,29%). Trong đó, 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước là TP HCM (hơn 16.870 tỉ đồng, đạt 21,29%), Bình Phước (hơn 1.780 tỉ đồng, 32,27%) và Đồng Nai (hơn 5.840 tỉ đồng, 46,77%).
Tổng hợp tình hình giải ngân từ các địa phương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có đến 23 khó khăn, vướng mắc. Những khó khăn, vướng mắc này chia làm 5 nhóm: Quy định của pháp luật đầu tư công; công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện dự án (điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn vật liệu xây dựng…); thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các vướng mắc khác.
Nhìn nhận vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công của vùng Đông Nam Bộ cũng là khó khăn chung của cả nước, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng nguyên nhân chậm là do việc tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương còn nhiều bất cập. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, rõ nét.
Kiên trì vượt khó
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố được phân bổ vào 2 kỳ, gồm 142.557 tỉ đồng được Thủ tướng giao từ đầu kỳ và hơn 107.395 tỉ đồng được HĐND TP HCM bổ sung tăng thêm từ cuối năm 2023. Nguồn vốn lớn và bố trí chậm trong trung hạn dẫn đến chuẩn bị đầu tư cũng chậm.
Ngoài ra, một số trường hợp chậm do phải chờ các luật sửa đổi. Đơn cử, Luật Đất đai điều chỉnh thời gian có hiệu lực đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân phần vốn bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2024 của TP HCM là 33.000 tỉ đồng.
Dù vậy, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận trong điều hành của UBND TP HCM khi đề xuất bổ sung vốn có chậm; sự phối hợp của các sở, ngành khi giải quyết các thủ tục về chuẩn bị và triển khai dự án còn mất thời gian. Mặt khác, nguyên nhân còn đến từ việc điều hành của chủ đầu tư đối với các nhà thầu trong giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu...
Dự án đường Vành đai 3 - TP HCM thiếu cát nghiêm trọng, ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độẢnh: HOÀNG TRIỀU |
Đại diện 4 tỉnh còn lại cũng nêu những khó khăn, vướng mắc khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa cao. Trong đó, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn của các dự án; trình tự thủ tục còn kéo dài, phức tạp; chính sách bồi thường hỗ trợ chưa phù hợp thực tế…
Tuy gặp nhiều khó khăn, vướng mắc song lãnh đạo 5 tỉnh, thành đều thể hiện quyết tâm khắc phục, phấn đấu giải ngân đạt 95% trở lên như kế hoạch đầu năm đưa ra mà không điều chỉnh chỉ tiêu.
Trong hơn 62.000 tỉ đồng cần giải ngân từ nay đến cuối năm 2024, TP HCM chia thành các nhóm để giải quyết. Trong đó, nhóm giải phóng mặt bằng với 33.000 tỉ đồng, qua rà soát thì khả năng thành phố sẽ giải ngân được trên 28.000 tỉ đồng, thuộc 3 dự án lớn là rạch Xuyên Tâm, bờ Bắc - Kênh Đôi, đường Vành đai 2. Dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên với hơn 3.700 tỉ đồng đã được phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện, thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm nay.
"TP HCM vẫn kiên trì chỉ tiêu là giải ngân 95%, dù phải tính từng ngày để có thể đạt được" - ông Phan Văn Mãi quả quyết.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác đôn đốc các dự án. Ngoài ra, các huyện, thành phố cũng lập các tổ công tác với nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung giải quyết vướng mắc, giải phóng mặt bằng.
Bám sát các giải pháp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận sự cố gắng cũng như chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Phó Thủ tướng đề nghị phải quyết tâm hơn, bám sát các giải pháp để triển khai tốt hơn.
"Các địa phương tập trung rà soát, phân loại, đánh giá kỹ hơn nữa các khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của mình thì quyết liệt xử lý" - Phó Thủ tướng nêu rõ. Song song đó, cần tăng cường phối hợp, điều phối cũng như đề cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ thực thi công vụ, đặc biệt là các ban quản lý dự án; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, địa phương thực hiện những quyền được phân cấp.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng giao tiếp tục tổng hợp, phân loại cụ thể các khó khăn, vướng mắc của địa phương; từ đó tham mưu cho Chính phủ giải quyết kịp thời. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để xử lý một số dự án tồn đọng có tính chất đặc thù; rà soát các dự án, nếu đủ thủ tục, bảo đảm tính khả thi nhưng thiếu vốn thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Tháo gỡ việc thiếu cát tại dự án Vành đai 3 Tại buổi làm việc, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP HCM đang gặp khó khăn trong thực hiện dự án Vành đai 3 - TP HCM do thiếu cát. Thủ tướng đã chỉ đạo Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre cung cấp cát cho dự án nhưng đến nay, thành phố mới chỉ nhận được 15.000 m3. TP HCM kiến nghị mua cát từ các địa phương khác để tiến độ dự án được bảo đảm. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay toàn bộ 21/21 gói thầu tại dự án đường Vành đai 3 đã được khởi công. Đến nay, sản lượng đã đạt 19% giá trị hợp đồng. Nhu cầu cát đắp nền của dự án này là khoảng 9,2 triệu m3, đã đưa về công trường được khoảng 1,8 triệu m3. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre tập trung tháo gỡ dứt điểm, hoàn thành toàn bộ thủ tục cấp phép mỏ chậm nhất trong tháng 10 này để cung cấp vật liệu cho các dự án, trong đó có Vành đai 3 - TP HCM. |
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM: Giao chỉ tiêu cho chủ đầu tư Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, cần triển khai các giải pháp đồng bộ, tích cực và linh hoạt. Trước hết, cần xây dựng và áp dụng các mẫu hồ sơ chuẩn để giảm thiểu thời gian soạn thảo và kiểm tra. Áp dụng các phần mềm quản lý dự án và hệ thống đấu thầu qua mạng để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. Cần thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận liên quan để bảo đảm thông tin được trao đổi nhanh chóng và chính xác; đề xuất các biện pháp rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ như tăng cường nhân lực, áp dụng công cụ hỗ trợ thẩm định. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân nhanh. Tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện. Ngoài ra, cần giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng đến từng chủ đầu tư, coi đây là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm. Thái Phương ghi |