Xuất nhập khẩu giảm tốc trong nửa đầu tháng 9

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 9 (từ ngày 1-15/9) đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% (tương ứng giảm 9,09 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2022.

Kim ngạch xuất nhập khẩu kỳ 1 tháng 9 giảm mạnh so với nửa cuối tháng 8/2022 bởi đây là dịp nghỉ lễ dài 4 ngày.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 9 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/9 đạt 526,04 tỷ USD, tăng 15,7%, tương ứng tăng 71,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong kỳ 1 tháng 9, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 845 triệu USD. Tuy nhiên tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 4,64 tỷ USD.

-3225-1663819317.jpg

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9 đạt 12,75 tỷ USD, giảm 35,3% (tương ứng giảm 6,95 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 8/2022.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9 đạt 12,75 tỷ USD, giảm 35,3% (tương ứng giảm 6,95 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 8/2022.

Kim ngạch giảm mạnh ở một số nhóm hàng chủ lực như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,17 tỷ USD, tương ứng giảm 38,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,07 tỷ USD, tương ứng giảm 31,5%; hàng dệt may giảm 980 triệu USD, tương ứng giảm 44,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 751 triệu USD, tương ứng giảm 29,7%...

Tính chung đến hết 15/9, xuất khẩu của Việt Nam đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,8% tương ứng tăng 40,14 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 7,3 tỷ USD, tương ứng tăng 29,7%; dệt may tăng 5,35 tỷ USD, tương ứng tăng 24,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,84 tỷ USD, tương ứng tăng 14,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7 tỷ USD, tương ứng tăng 12,5%...

Về nhập khẩu, kỳ 1 tháng 9 đạt 13,59 tỷ USD, giảm 13,6% (tương ứng giảm 2,14 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2022.

Các nhóm hàng giảm mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 372 triệu USD, tương ứng giảm 17,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 355 triệu USD, tương ứng giảm 9,8%; kim loại thường khác giảm 162 triệu USD, tương ứng giảm 36,7%; vải các loại giảm 107 triệu USD, tương ứng giảm 17%...

Tính từ đầu năm đến hết 15/9, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 260,7 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 31,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Tại cuộc họp báo công bố Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhìn nhận, Việt Nam đã "xuất hiện những đám mây đen trong xuất khẩu."

Ông Cường cho hay, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo, điều này sẽ làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi. Cầu thị trường thế giới yếu hơn nên xuất khẩu chậm lại. Tiền đồng giảm giá làm giá trị hàng nhập khẩu đắt hơn hàng xuất khẩu, dự kiến sẽ dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2022. Lạm phát toàn cầu cao, mặc dù đang dần chậm lại và các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ tiếp tục làm giảm kiều hối.

Trước đó, tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại trong 3 tháng gần đây. Điều này cũng được phản ánh qua sự chững lại trong các đơn đặt hàng ở hầu khắp các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 7 giảm nhẹ xuống 51 điểm. Các doanh nghiệp thay vì sản xuất các đơn hàng lẻ, ngắn hạn, nay phải hướng đến sản xuất theo chuỗi các lô hàng lớn.

Tuy nhiên, bước sang tháng 8, Chỉ số PMI tăng nhẹ đạt 52.7 điểm nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài; Tốc độ tăng giá cả đầu vào chậm lại và việc làm tiếp tục tăng.

Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu cũng đang đứng trước nhiều thách thức trong những tháng còn lại của năm 2022. Theo thông tin từ Lefaso, các đơn hàng từ nay đến quý I/2023 của các doanh nghiệp da giày có dấu hiệu bị suy giảm. “Tồn kho tại một số doanh nghiệp đang gia tăng, đơn hàng cuối năm có phần chững lại và ít nhiều gây khó khăn trên chặng đường về đích của ngành”, đại diện ngành da giày - túi xách cho hay.

Trước những rủi ro hiện hữu tác động đến xuất khẩu, các ngành hàng vẫn đang dồn lực sản xuất, chủ động cập nhật thông tin thị trường để có kế hoạch ứng biến linh hoạt, tính toán hợp lý để cắt giảm chi phí đầu vào, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đã đề ra, từ đó góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8% cả năm 2022 của nền kinh tế.

Thanh Hoa

Lượt xem: 51
Tác giả: Thanh Hoa
Tin liên quan