Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 tăng 9,3% so với năm 2021

Số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986.

Hôm nay (ngày 13/1), Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

-1305-1673582506.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. 

Trong bối cảnh kinh tế năm 2022 còn nhiều khó khăn, biến động, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ngoạn mục, đóng vai trò quan trọng trong thành tích chung là kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 11 ngành hàng trong tổng 39 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản... Một số mặt hàng chủ lực có vị thế tại thị trường lớn, đáp ứng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, “nông nghiệp có tin vui” là dòng tiêu đề xuất hiện trên nhiều mặt báo những ngày cuối năm. Đó là nhờ giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt chỉ tiêu, đạt 53,2 tỷ USD. Ngoài ra, giá trị xuất siêu của ngành chiếm khoảng 70% tổng giá trị của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như tinh thần vượt khó của toàn thể bà con nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Năm 2023, tình hình thế giới được dự báo là ngày càng khó đoán. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế. Một trong số đó được tư lệnh ngành nông nghiệp nêu ra là mặt hàng gỗ, lĩnh vực chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị xuất khẩu. Ông nhấn mạnh, toàn ngành nông nghiệp cần “nêu cao tinh thần sẵn sàng” với mọi tình huống.

Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng cho biết đã chủ động bằng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, cũng như các công tác xúc tiến, tiếp cận mở rộng thị trường. Nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều địa phương giờ đã thay đổi cách tiếp cận về nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Người tiêu dùng cũng có thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam nhiều hơn, giúp hàng Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường 100 triệu dân.

Với tiêu chí lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ, ngành nông nghiệp cam kết kiên trì mục tiêu thực hiện: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhiều lần nhắc đến cụm từ “cần làm gì”, như một sự trăn trở với ngành nông nghiệp trong năm 2023, năm giữa nhiệm kỳ của giai đoạn 2021-2025.

Ông đặt ra nhiều câu hỏi như: làm gì để đơn giản mà tốt hơn? Làm gì để tiết giảm chi phí, để thích ứng tốt hơn với những khó khăn đã được dự báo, cũng như nâng cao được chất lượng sản phẩm? Làm gì để các đơn vị sẵn sàng hợp tác và đi cùng nhau?…

Mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan coi đây là những giải pháp quý báu để người nông dân có thể tiếp cận được nhiều hơn với khoa học, công nghệ, và tri thức hóa trong tương lai.

Nhật Linh 

Lượt xem: 8
Tác giả: Nhật Linh 
Tin liên quan