Xuất khẩu gỗ đối mặt nhiều yêu cầu mới, phải báo cáo tình trạng sử dụng lao động và tiền lương

Đã có tín hiệu phục hồi kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, song ngành gỗ lại đang đứng trước nhiều yêu cầu tuân thủ tại các thị trường này.

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu lâm sản 7 tháng năm 2023 ước đạt 7,8 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26%; lâm sản ngoài gỗ đạt 580 triệu USD, giảm 15%.

-7254-1691638032.jpg

Kim ngạch xuất khẩu lâm sản 7 tháng năm 2023 ước đạt 7,8 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022

Xuất khẩu lâm sản sang 5 thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc) ghi nhận giảm mạnh. Trong đó, Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm, ghi nhận mức giảm sâu nhất tới 40%.

Về dự báo triển vọng thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong thời gian tới, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, đã có tín hiệu phục hồi kinh tế ở các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam như tại thị trường Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố tăng trưởng GDP (số liệu điều chỉnh lần thứ 3) là 2%, tăng từ mức 1,3% công bố đợt tháng 5 và cao hơn 0,3% so với dự báo của các cơ quan phân tích. Dữ liệu mới đã góp phần khiến bức tranh kinh tế của Mỹ giai đoạn đầu năm trở nên khả quan hơn. 

Đồng thời, giữa tháng 7 vừa qua, DOC đã công bố quyết định sơ bộ quyết định điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Do vậy, dự báo khả năng mặt hàng gỗ dán cứng xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, hướng đi của doanh nghiệp ngành gỗ để phát triển bền vững, yếu tố về thị trường đang là sự quan tâm của ngành gỗ lúc này. Ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều yêu cầu tuân thủ tại các thị trường xuất khẩu. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, đặc biệt là tuân thủ quy định mới của EU về chống phá rừng cũng như trách nhiệm giải trình ngành gỗ phải thực hiện tốt VPA FLEGT và Quy định 1115.

Tần suất ngành gỗ đối diện với các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều, cụ thể từ năm 2015 tới năm 2019 đối diện với 2 vụ việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhỹ Kỳ và Hàn Quốc. Trong khi từ năm 2020 cho tới nay, ngành gỗ đã đối diện với 5 vụ việc: 4 vụ việc xuất phát từ thị trường Mỹ (vụ việc 301, gỗ dán cứng, tủ gỗ, sản phẩm sử dụng mặt đá nhập từ Trung Quốc); 1 vụ việc xuất phát từ thị trường Canada.

Thị trường Nhật yêu cầu các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này có chứng chỉ bền vững.

Thị trường Đức hiện áp dụng Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu phía Đức yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải, các chứng chỉ amfori BSCI, SA 8000, SMETA, FSC,....

Đại diện Viforest đề nghị Cục Lâm nghiệp có hướng dẫn và có khuyến cáo các doanh nghiệp cần thực hiện và sử dụng đa dạng hóa các chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành trao đổi/đàm phán/giới thiệu các chứng chỉ quản lý rừng quốc gia của Việt Nam, đồng thời đề nghị các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam công nhận chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Việt Nam.

Về lâu dài, Viforest đề xuất thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó hướng tới cam kết Net Zero trong ngành gỗ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị nhìn nhận, ngành gỗ đóng vai trò quan trọng trong lộ trình thực hiện cam kết giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ. Theo đó, người dân trồng rừng theo các chứng chỉ bền vững, gia tăng nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường. Còn các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ và ưu tiên nguyên liệu trong nước có nguồn gốc rõ ràng nhằm giảm giá thành sản xuất.

Thy Lê 

Lượt xem: 8
Tin liên quan