Xuất khẩu gạo với giá trị thật vẫn lo bị 'níu chân'

Tăng trưởng xuất khẩu gạo trong 11 tháng năm 2022 là khá tốt và đang tiếp tục có nhiều cơ hội lớn trong các năm tới. Tuy nhiên, để gạo Việt, nhất là gạo sạch, chất lượng cao được bán đúng với giá trị thật trên thị trường quốc tế, ngoài chuyện làm thương hiệu thì cần tránh bị "níu chân" bởi thói mua bán cạnh tranh theo lối văn hoá thương mại kém của nội bộ doanh nghiệp Việt với nhau.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu (XK) tháng 11/2022 ước đạt 600 nghìn tấn với giá trị đạt 296 triệu USD. Lũy kế 11 tháng đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. 

Cơ hội đang rất lớn

Tuy vậy, giá gạo XK bình quân 11 tháng năm 2022 chỉ ước đạt 485 USD/tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thị trường gạo năm nay được đánh giá là thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) XK khi một số khách hàng mua gạo truyền thống tăng nhập khẩu. 

-6359-1669885780.jpg

Khách hàng quốc tế sẵn sàng trả giá cao, đúng với giá trị thật cho gạo sạch và chất lượng cao của Việt Nam.

Ngay như thị trường Trung Quốc cũng chuyển sang nhập khẩu với khối lượng lớn vào cuối năm. Một số quốc gia châu Âu cũng có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm mạnh vì xung đột Nga – Ukraine.

Bàn về triển vọng tăng giá XK gạo, trao đổi với VnBusiness, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng chắc chắn trong thời gian tới, giá gạo XK của Việt Nam sẽ tăng 15% so với giá hiện nay. Nhất là cơ hội cho gạo của Việt Nam đang rất lớn khi mà tình hình thiếu lương thực trên thế giới hiện nay và các năm sau là rất nhiều.

Trong chuyện giá gạo, ông Bình nhấn mạnh về tầm quan trọng của thương hiệu. Như trước đây không chỉ Công ty Trung An mà các công ty XK gạo khác của Việt Nam khi xuất vào thị trường EU hoàn toàn không có tên của công ty trên bao bì, nhãn mác. 

Chính vì thế, cách đây 2 năm, ông Bình đã quyết định xây dựng thương hiệu gạo riêng ở EU. Điều này buộc công ty phải cắt bỏ toàn bộ các khách hàng cũ và ra thông báo với 27 thành viên của EU, tức là thương nhân ở EU muốn mua gạo của công ty thì phải đóng bao bì của Trung An.

Thời gian đầu, các thành viên trong Công ty Trung An e ngại với việc công bố như vậy chắc chắn sẽ bị mất khách hàng rất nhiều, XK đi EU sẽ giảm. Thế nhưng, như chia sẻ của ông Bình, bản thân ông vẫn rất kiên quyết. Và cuối cùng thực tế 2 năm qua cho thấy doanh số bán hàng của công ty tại EU tăng rất nhiều, thậm chí gạo sạch của Trung An tại thị trường Đức đang đứng hàng đầu.

Tuy vậy, Tổng giám đốc Công ty Trung An lưu ý trường hợp có một DN tương đối lớn ở Việt Nam đem 50 container gạo sang EU cách đây 2 tháng. Lẽ ra phía DN có thể bán theo giá thị trường là 1.150 USD/tấn gạo, tuy nhiên vì muốn cạnh tranh nên đã giảm giá xuống dưới 1.000 USD/tấn, nhưng rốt cuộc gạo giá rẻ như vậy lại bị tất cả khách hàng trả lại toàn bộ vì gạo ăn cứng hơn.

Tránh cạnh tranh theo lối văn hoá thương mại kém

Nêu ra vấn đề trên, như chia sẻ của ông Bình, việc xây dựng thương hiệu gạo là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng khi có thương hiệu rồi phải đi kèm với chất lượng sản phẩm gạo.

“Người châu Âu có tính ổn định rất cao. Ví dụ đầu năm nếu như DN đã đưa loại gạo tốt cho người ta ăn mà lô hàng sau, hoặc cuối năm lại đưa loại gạo khác có chất lượng không tốt là họ sẽ trả ngay. Cho nên tính ổn định của thị trường này rất cao và gắn liền với thương hiệu”, ông Bình nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, Tổng giám đốc Công ty Trung An bày tỏ mối băn khoăn khi thói mua bán cạnh tranh theo lối văn hoá thương mại kém của nội bộ DN Việt với nhau (luôn hạ giá thành xuống để giành khách hàng). Trên thực tế, gạo sạch bán vào EU từ 1.500 - 2.000 USD/tấn mới đúng với giá trị thật.

Có như thế, các DN XK gạo Việt Nam mới có thể đạt lợi nhuận tốt hơn, đúng với tiềm năng và công suất giá trị của gạo sạch Việt Nam. Rõ ràng là gạo Việt rất ngon và giá trị của nó trên mức 1.000 USD/tấn rất nhiều. Người châu Âu sẵn sàng trả mức giá cao nếu chúng ta cung cấp được gạo đạt tiêu chuẩn GAP hoặc hữu cơ.

“Bây giờ, chúng ta không nghĩ đến chuyện lời nhiều hay lời ít, mà phải làm sao để gạo Việt chất lượng vào châu Âu và cần phải trả lại giá trị thực của nó. Nhưng rất tiếc, do văn hoá thương mại kém của nhiều DN Việt khiến chúng ta không chỉ không phát huy mà thậm còn làm mất đi lợi thế”, ông Bình bộc bạch.

Bên cạnh đó, nói về XK gạo cũng không thể không nhắc đến khâu chính sách. Nhất là khi Bộ Công Thương đang có Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo. 

Chẳng hạn như về tiêu chuẩn, quy chuẩn với bao bì XK, cụ thể là Điều 1.13 Dự thảo quy định trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với bao bì sản phẩm gạo XK. 

Theo góp ý mới đây từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tờ trình Dự thảo và các tài liệu liên quan không đề cập đến bất cập hay vấn đề nào liên quan đến bao bì sản phẩm gạo XK. Không rõ tại sao lại cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến bao bì gạo XK?

Như băn khoăn của VCCI, quy định này có thể gây tốn kém, tạo ra chi phí lớn cho các DN do phải thay đổi bao bì theo tiêu chuẩn cụ thể. 

Nói chung, để XK gạo gặt hái thành công trong thời gian tới thì khâu chính sách cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành XK gạo. Đặc biệt là cần tạo thuận lợi cho thương nhân tham gia XK gạo thay vì những quy định có tính chất gây khó và tốn kém. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do thì các cơ quan chức năng cũng nên có chính sách ứng phó linh hoạt, phù hợp những biến động thường xuyên từ thị trường XK gạo.

            Thế Vinh

Lượt xem: 51
Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan