Xuất khẩu đối mặt rủi ro bị đánh thuế carbon ngay trong năm 2023
Các quốc gia thành viên EU thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại ngay trong năm 2023. Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có giải pháp để chuyển hướng sang "net zero" nếu không muốn bị loại khỏi "cuộc chơi".
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa tổ chức hội thảo “Hành trình tới net zero: cơ hội hay thách thức”. Một trong những thông tin được nêu ra tại hội thảo đó là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU.
Thách thức lớn ở thị trường EU
Thông tin mới nhất là ngày 13/12 vừa qua, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế CBAM, theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 10/2023.
Sắt thép là một trong những ngành bị đưa vào tầm ngắm đánh thuế carbon ở thị trường EU. |
TS. Hà Huy Tuấn, Đại học Chu Văn An, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cung cấp thêm thông tin: nội dung của CBAM là doanh nghiệp ngoài EU xuất khẩu hàng hóa có chứa khí thải CO2 trong quá trình sản xuất sẽ phải trả phí xả thải bằng với các doanh nghiệp tại EU.
Ông Tuấn cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thuộc phạm vi áp dụng CBAM có khả năng phải trả thêm khoản phí xả thải. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống báo cáo với EU, tính toán sơ bộ mức xả thải xem phải trả thêm bao nhiêu tiền theo giá tham chiếu tại thị trường EU. Nếu định phát triển tại thị trường EU lâu dài thì phải điều chỉnh lại phương thức sản xuất kinh doanh.
Theo ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends, các quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam đang cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, mục tiêu này sẽ cho ra đời thêm nhiều chính sách thay đổi, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Hiện, 128 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết thực hiện "net zero" như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU từ 2023 - 2026, điều đó có nghĩa doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động trực tiếp trong tương lai.
Ông Phúc chỉ ra thách thức của các cơ sở phát thải cao hoạt động nội địa đó là phải thực hiện kiểm kê và bắt buộc cần thay đổi để đáp ứng các yêu cầu hạn ngạch phát thải của Chính phủ trong tương lai. Còn với cơ sở phát thải cao có sản phẩm xuất khẩu (sắt thép, xi măng, nhôm…), bắt buộc phải thay đổi nếu muốn duy trì thị trường xuất khẩu trong tương lai.
Thách thức là trực tiếp, song hiện nay, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về "net zero" còn rất thấp. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV, khuyến nghị doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin về cơ chế CBAM, hay sắp tới là đạo luật của Hoa Kỳ liên quan tới net zero có thể áp dụng từ năm 2024.
Nhiều nước đang xem xét cơ chế đánh thuế carbon
Khảo sát của Ban IV cho thấy, chỉ khoảng 11% doanh nghiệp được hỏi nắm rõ nội dung về cơ chế CBAM, 53% doanh nghiệp không biết về nội dụng này, 37% doanh nghiệp có nghe nhưng không nắm rõ. Trong khi đó, doanh nghiệp châu Âu, Mỹ rất chủ động khi đưa ra cam kết với net zero, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam không thể “chậm chân" hơn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho hay, hiện chưa có diễn đàn nào để cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ về cơ chế CBAM. Tuy nhiên, ông nhận định đây là cơ hội, chứ không phải thách thức, bởi vì chỉ có khủng hoảng mới có cơ hội, sáng kiến mới. Doanh nghiệp cũng đừng lo lắm quá, thay vào đó tận dụng làm thế nào để giảm thải carbon, tận dụng thị trường trong nước để đồng USD ở lại Việt Nam.
Ông Vượng dẫn chứng, cách đây 2 năm, Hàn Quốc lập uỷ ban tận dụng cơ hội đánh thuế của EU, nhưng với Việt Nam thì có vẻ hơi chậm. Đại diện Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam khuyến nghị xu hướng toàn cầu chống biến đổi khí hậu, chống phát thải nhựa, carbon… không phải chỉ châu Âu đánh thuế ở cơ chế CBAM mà sắp tới đây còn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc...
Theo đó, để thích ứng, ngoài sự chuyển đổi phương thức sản xuất, doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam nhanh chóng xây dựng sàn giao dịch carbon. "Theo quy định của cơ chế CBAM, nếu mua tín chỉ tái chế nhựa tại Việt Nam thì không bị đánh thuế và đồng USD sẽ ở lại", ông Vượng cho biết. Nắm bắt xu thế này, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hiện cũng có xu hướng không hỏi thuê lao động đắt hay rẻ mà họ hỏi phát triển năng lượng xanh thế nào.
Trước thách thức trên, ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends nhìn nhận, giảm phát thải là bắt buộc phải thực hiện nếu muốn xuất khẩu và tiêu dùng. Giảm phát thải có thể là thách thức đối với một số doanh nghiệp, việc thay đổi công nghệ, phương thức quản lý, cách tiếp cận dẫn tới phát sinh chi phí đối với doanh nghiệp (400 tỷ USD để thay đổi công nghệ tới 2050). Thậm chí, một số doanh nghiệp có thể không tồn tại trong tương lai.
Tuy nhiên, giảm phát thải cũng tạo ra cơ hội mới cho một số doanh nghiệp. Doanh nghiệp thay đổi để tồn tại và phát triển, phù hợp với xu thế, nắm bắt cơ hội và có nguồn thu mới từ tài chính carbon, các nguồn tài chính xanh. Cùng với đó, Chính phủ đang hành động, tuy nhiên cần tăng tốc giúp doanh nghiệp giảm thách thức và tối đa hóa cơ hội để giúp doanh nghiệp tăng tốc.
Lê Thúy