Xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp

 Trong những năm qua, TP Hà Nội đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; được xác định là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hiệu quả từ những phiên họp

Ngày 16/8/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Quyết định số 4097/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND TP về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Từ đó đến nay, TP đã triển khai 4 phiên họp. Mới đây nhất, ngày 11/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND TP về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn TP chủ trì phiên họp lần thứ tư của tổ công tác.

Xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác đặc biệt của thành phố

Theo báo cáo tại phiên họp, từ thời điểm kết thúc phiên họp thứ ba, UBND TP tiếp tục tiếp nhận các kiến nghị của các nhà đầu tư; lũy kế đến thời điểm ngày 10/4/2024, có 30 kiến nghị của 30 nhà đầu tư; trong đó có 21/30 kiến nghị đã được UBND TP ra văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị rà soát, báo cáo.

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng thành viên trong Tổ công tác đặc biệt đã trực tiếp nghe đề xuất, kiến nghị của 6 doanh nghiệp trên địa bàn liên quan các vấn đề đầu tư, mặt bằng của các dự án, bao gồm: Dự án Công viên hồ điều hòa Thạch Bàn (quận Long Biên) theo hình thức xã hội hóa của Công ty Cổ phần Công viên Thạch Bàn; dự án nhà ở thấp tầng, kết hợp thương mại, dịch vụ làng nghề truyền thống Vạn Phúc - Trí Đức (quận Hà Đông) của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại An Thái; dự án khu nhà ở Mai Lâm - Đông Anh (huyện Đông Anh) của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Ba Đình; dự án tòa nhà hỗn hợp, văn phòng, dịch vụ (thương mại, khách sạn căn hộ), nhà ở và nhà trẻ - Dreamland Plaza 23 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) và phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm); dự án xây dựng bãi đỗ xe tĩnh O1/P1 tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) của Công ty TNHH Thương mại và xây dựng HDT Hà Nội; dự án trường TH&THCS tại khu vực chức năng đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) của Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục Elite.

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp khi dự án kéo dài, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh trực tiếp trao đổi với chủ đầu tư và các đơn vị, địa phương liên quan về tình hình thực tế của từng dự án và chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền. Cùng với đó, các đơn vị nghiên cứu, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa trong giải quyết các thủ tục về đầu tư dự án, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

Quang cảnh hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP”

Quang cảnh hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP”

Đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Văn phòng UBND TP tổng hợp và sớm báo cáo Chính phủ và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết, tháo gỡ, đảm bảo lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp theo từng chuyên đề

Năm 2024, UBND TP sẽ triển khai 6 hội nghị gặp gỡ, đối thoại để hỗ trợ doanh nghiệp theo từng chuyên đề, gồm: Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề; hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; hội nghị đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao...); hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố; hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, môi trường.

Theo đó mới đây, ngày 5/4, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố”.

Tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hiện TP có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.348ha, thu hút 709 dự án; trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký hơn 26.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 102 cụm công nghiệp (CCN) đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188ha. Hiện các khu, CCN đều có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.

Xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp

Mặc dù TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển các khu, CCN nhưng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Phản ánh về những nút thắt cần tháo gỡ trong quá trình đầu tư, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC Nguyễn Hoàng Hải cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư dự án cụm công nghiệp CN3 tại huyện Sóc Sơn, diện tích 78,15ha; đã cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56ha.

Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng khu vực nghĩa trang; đề nghị TP gia hạn thời gian thực hiện dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này.

Ông Ulrich Petersen, Giám đốc Đầu tư và Marketing dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm, kiến nghị nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để khởi động lại công tác giải phóng mặt bằng sớm. Về thủ tục thành lập khu công nghệ cao, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền để hoàn thành các thủ tục mới này. Bên cạnh đó, UBND thành phố, quận Bắc Từ Liêm tiến hành quy hoạch 1/2.000 nhanh hơn vì đây là thủ tục rất quan trọng để đơn vị có thể triển khai tiếp các hoạt động tiếp theo của dự án.

Ngay tại hội nghị, ý kiến của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo thành phố, đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương trả lời trực tiếp, cụ thể.

Giải đáp ý kiến của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP đã giao đất từng đợt đối với những CCN gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng, rút ngắn thời gian đầu tư dự án, sớm đưa vào khai thác…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, tới đây TP chú trọng trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai... tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và các chỉ tiêu, kế hoạch đã ban hành; phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp; tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho các ngành lĩnh vực khác phát triển đạt mục tiêu chung.

Xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Chính quyền TP Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP Hà Nội sẽ chú trọng trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai... tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, TP phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho các ngành lĩnh vực khác phát triển đạt mục tiêu chung.

Giải đáp ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch tổng thể, mạng lưới các cụm công nghiệp cũ qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.

Sở Công thương Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã để hoàn thiện phương án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Các cấp, ngành cùng UBND TP hướng tới một cửa liên thông, minh bạch để các nhà đầu tư hiểu rõ quy trình hoàn tất thủ tục.

“Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, chính quyền TP mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách… để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Chính quyền TP cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trước mắt, TP tập trung cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục hành chính; hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “Chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định.

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 28
Tác giả: Ánh Dương
Tin liên quan