Xăng tăng giá gần 600 đồng/lít, dầu diesel tăng gần 2.000 đồng/lít

Chiều ngày 11/10, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh. Theo đó, giá xăng tăng hơn 500 đồng/lít, có mặt hàng dầu tăng gần 2.000 đồng/lít. 

Như vậy, giá xăng dầu đã tăng trở lại sau 4 lần giảm giá liên tiếp. Trước đó vào chiều ngày 3/10, giá xăng dầu trong nước giảm từ 330 đồng - 1.140 đồng/lít.

-3070-1665474614.png

Giá xăng dầu tăng mạnh trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp. 

Cụ thể, từ 15 giờ chiều ngày 11/10, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 560 đồng/lít, lên mức 21.292 đồng/lít; xăng E5 RON 95 III tăng 564 đồng/lít, lên mức 22.007 đồng/lít.

Trong khi đó, các mặt hàng dầu được điều chỉnh tăng mạnh hơn. Cụ thể, dầu diesel được điều chỉnh tăng 1.979 đồng/lít, lên 24.187 đồng/lít, dầu hỏa tăng 1.132 đồng/lít lên mức 22.820 đồng/lít, dầu mazut giữ ổn định 14.094 đồng/lít. 

Để có mức giá trên, cơ quan điều hành trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg). Đồng thời, thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu khác.

-4597-1665474614.png

Người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng trước kỳ điều chỉnh giá. 

Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 03/10/2022-11/10/2022) có diễn biến tăng khá cao, nhất là đối với mặt hàng dầu diesel. Nguyên nhân của việc tăng giá mạnh là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng cao hơn mức dự kiến khá nhiều của OPEC+ (mức dự kiến là 500 thùng/ngày nhưng thực tế đã xem xét giảm sản lượng cho tháng 11 tới hơn 1 triệu thùng/ngày - mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ xem xét cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho thời gian tiếp theo). 

Những ngày vừa qua, "cơn sốt" thiếu xăng lan rộng ở nhiều tỉnh thành cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. Trong báo cáo tối ngày 10/10, Bộ Công Thương thừa nhận có hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định, hiện tượng này không phải phổ biến, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Bộ Công Thương cho biết đã và đang kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng Bộ Công Thương cần rà soát lại nguồn hàng khi sản lượng nhập khẩu trong quý III giảm tới 40%.

Thy Lê 

Lượt xem: 31
Tác giả: Thy Lê 
Tin liên quan