Vĩnh Thuận chuyển mình nhanh nhờ chú trọng phát triển kinh tế hợp tác

Nhìn vào hoạt động hiệu quả của HTX dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát hay HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Nông để thấy việc chú trọng phát triển kinh tế hợp tác đã và đang giúp huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) chuyển mình nhanh trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Vùng quê không ngừng thay đổi và phát triển, còn bà con nông dân tránh khỏi rủi ro trong sản xuất, nâng cao thu nhập.

Cách đây 4 năm ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông (huyện Vĩnh Thuận) đã ra mắt HTX dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát với 8 thành viên ban đầu, vốn điều lệ hơn 1 tỷ đồng. HTX thực hiện dịch vụ cơ bản là thu mua và sản xuất các sản phẩm từ con tôm. Lợi thế của HTX là tận dụng nguồn nguyên liệu từ tôm nuôi của các hộ thành viên cũng như vùng nguyên liệu dồi dào tại địa phương.

HTX giải quyết khó khăn cho người nuôi tôm

Từ đó đến nay, HTX Hiểu Phát đã làm đầu mối trong việc cung cấp các dịch vụ, giảm giá đầu vào và ổn định đầu ra sản phẩm cho thành viên. HTX cũng thúc đẩy xây dựng mã truy xuất nguồn gốc, tạo dựng thương hiệu để dần dần đưa các sản phẩm vươn xa ở thị trường trong và ngoài nước. HTX cũng đang hướng tới mở rộng sản xuất các sản phẩm như: Muối tôm, mắm tôm, nước mắm tôm… nhằm tận dụng tối đa các phế phẩm từ con tôm.

-6626-1693372846.jpg

Nhiều sản phẩm của HTX Hiểu Phát sản xuất đã trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Vĩnh Thuận, trong đó có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Lãnh đạo UBND xã Phong Đông cho rằng có HTX mới giúp giải quyết được khó khăn của người nông dân nuôi tôm hiện nay. Bởi, sản xuất các sản phẩm từ tôm theo các dịch vụ của HTX, thành viên sẽ không lo về đầu ra, đồng thời tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu. Thời gian tới, địa phương sẽ cố gắng hết sức hỗ trợ HTX phát triển, mở rộng thị trường cũng như công tác vận động kết nạp thêm thành viên.

Với vai trò là Giám đốc HTX Hiểu Phát, chị Lê Thị Kim Thoa đã cùng tập thể ban lãnh đạo đề ra phương án sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn nhất định, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở địa phương. 

Nhiều sản phẩm do HTX sản xuất đã trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Vĩnh Thuận, trong đó có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Tôm khô, mắm tôm, mắm lóc, khô cá lóc, khô cá kèo. Điều đáng phấn khởi là đến nay, tôm khô của HTX Hiểu Phát là sản phẩm tôm khô duy nhất của huyện đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay, HTX Hiểu Phát đã phát triển lên 12 thành viên. Bên cạnh đó, chị Thoa bàn bạc với tập thể thay đổi một số quy trình trong kế hoạch tiếp cận thị trường. Bản thân chị cũng trực tiếp tham gia nhiều đợt xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giới thiệu sản phẩm tại thị trường Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ… HTX hiện có nhiều kênh phân phối, đại lý, hệ thống sỉ và lẻ, cộng tác viên bán hàng.

Giúp địa phương thay đổi và phát triển

Từ sự nỗ lực phát triển HTX như vậy đã góp phần vào xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Phong Đông - nơi có đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 50% dân số của xã. 

-5235-1693372846.jpg

HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Nông được đánh giá là đã giúp bà con nông dân địa phương tránh khỏi rủi ro trong sản xuất, giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận và thu nhập ổn định.

Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới từ cách đây 5 năm, xã Phong Đông đang đặt mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Đến nay, diện mạo mới của xã không ngừng thay đổi và phát triển, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên, tỷ lệ  hộ nghèo đến cuối năm 2022 giảm xuống còn 1,9%, thu nhập bình quân đầu người trên 64 triệu đồng/năm.

Còn ở thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận) có HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Nông được thành lập cách đây 2 năm. Hoạt động của HTX được đánh giá là giúp bà con nông dân địa phương tránh khỏi rủi ro trong sản xuất, giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận và thu nhập ổn định. Bởi lẽ trước đó, các hộ dân sản xuất tôm lúa ở thị trấn Vĩnh Thuận chủ yếu nuôi cá nhân nhỏ lẻ, nên chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp.

HTX có 13 thành viên, sản xuất trên diện tích 38,1ha. HTX thực hiện các dịch vụ cơ bản cho thành viên như: Cung ứng giống lúa, tôm; làm đất; thu hoạch; tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ mua chung vật tư nông nghiệp.

Thời gian tới, HTX sẽ hướng tới liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, giảm giá đầu vào và ổn định đầu ra sản phẩm cho thành viên. Khi có đủ điều kiện, HTX sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển các dịch vụ sau thu hoạch, vận động phát triển thành viên mới, tăng diện tích sản xuất…

Vừa qua, HTX Thuận Nông đã được tỉnh Kiên Giang chọn tham gia Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC) tại Việt Nam do Tổ chức Hợp tác Đức (GIZ) tài trợ. 

Có 10 thành viên của HTX được chọn tham gia dự án trên diện tích 10 ha ruộng lúa theo hướng hữu cơ. Khi thấy việc chuyển đổi sản xuất trồng lúa theo hướng hữu cơ và đa dạng các nguồn sinh kế có nhiều cái lợi nên các thành viên còn lại của HTX cũng tự bỏ tiền ra làm theo mô hình này.

Trên diện tích đất sản xuất 38ha, các thành viên HTX Thuận Nông sản xuất giống lúa ST25 theo quy trình hữu cơ. Nhờ liên kết sản xuất nên toàn bộ chi phí đầu vào gồm lúa giống, phân bón hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ sinh học được một đối tác cung ứng đến cuối vụ, khi thu mua lúa sẽ trừ lại. Vì vậy, các thành viên HTX không phải lo chi phí đầu tư cũng như đầu ra của sản phẩm.       

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Khi đến thăm HTX Thuận Nông, ông Fortenbacher Dominik là Trưởng nhóm nông nghiệp thuộc GIZ đánh giá cao cách làm sáng tạo của các thành viên HTX. Ông bày tỏ tin tưởng mô hình sẽ mang lại thành công cho HTX và sẽ có nhiều hộ dân trong vùng cùng tham gia thực hiện. Mô hình giúp nông dân địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu, đa dạng được nguồn thu, cải thiện tốt sinh kế.

-7071-1693372846.jpg

Chú trọng phát triển kinh tế hợp tác góp phần đưa huyện Vĩnh Thuận thay đổi và phát triển nhanh.

Cùng với hai HTX nêu trên, xác định kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua, huyện Vĩnh Thuận đã tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Tính đến tháng 8/2023, toàn huyện Vĩnh Thuận có 25 HTX (trong đó có 21 HTX nông nghiệp với diện tích 1.037 ha và 4 HTX phi nông nghiệp) với 543 thành viên và 79 tổ hợp tác hoạt động tương đối ổn định. 

Nhận thức vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Vĩnh Thuận và các địa phương trong huyện đã tập trung lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, trọng tâm là HTX nông nghiệp và đã được những kết quả tích cực.

Huyện cũng đang hướng các địa phương phát triển kinh tế tập thể phải gắn với nhu cầu thị trường và liên kết bao tiêu sản phẩm đối với một số loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như: lúa, khóm, rau màu, tôm – lúa,... Nhất là đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp trong các chương xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu,...

Song song đó, huyện Vĩnh Thuận cũng đẩy mạnh vận động nhân dân tích cực tham gia tổ hợp tác, HTX để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

Nhờ chú trọng phát triển kinh tế hợp tác đã góp phần giúp cho huyện Vĩnh Thuận được công nhận là huyện nông thôn mới hồi năm 2022 và đang phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở huyện đạt 62 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm từ 3,71% năm 2021 xuống còn 2,81% trong năm 2022.

                                                                                                                              Thanh Loan

Lượt xem: 3
Tin liên quan