Việt Nam có thể “về đích” mục tiêu xếp hạng tín nhiệm BBB- sớm hơn
Theo đánh giá của FiinRatings (FiinGroup), việc S&P Global Ratings nâng hạng Việt Nam lên mức BB+ là tín hiệu đáng mừng và đã góp phần đưa mục tiêu BBB- đến năm 2030 của Việt Nam theo “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” có tính khả thi cao hơn nhiều. Thậm chí, nếu như các tiêu chí tiếp tục được cải thiện thì Việt Nam có thể về đích mục tiêu này sớm hơn vào năm 2025.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực để cải thiện mức điểm xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Vào ngày 31/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 412/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ BBB- (đối với S&P và Fitch) và Baa3 (đối với Moody’s) trở lên. Theo các chuyên gia tài chính, việc quyết tâm cải thiện thứ hạng này sẽ mở ra nhiều con đường phát triển mới, cho Việt Nam cũng như khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là về chi phí vốn cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.
Lần gần nhất S&P nâng hạng cho Việt Nam lên BB là tháng 4/2019. Như vậy, sau 4 năm, S&P tiếp tục có quyết định nâng hạng cho Việt Nam. Đặc biệt, ngày 26/5/2022, S&P Global Ratings (S&P) đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng Ổn định. Theo đánh giá của FiinRatings, trong bối cảnh triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới sau COVID-19 và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ucraina, việc Việt Nam được một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới nâng hạng cho thấy góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.
Theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), sự kiện này thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội. Việc nâng hạng tín nhiệm có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Đối với Chính phủ, trong bối cảnh cần huy động các nguồn lực cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc nâng hạng góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển với chi phí hợp lý.
Theo đánh giá của FiinRatings trong Báo cáo “Nhận định thị trường: S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia lên BB+: Ý nghĩa và lợi ích cho Việt Nam”, việc nâng hạng lên BB+ là tín hiệu đáng mừng và đã góp phần đưa mục tiêu BBB- đến năm 2030 của Chính phủ có tính khả thi cao hơn nhiều. Thậm chí, FiinRatings còn cho rằng, nếu như các tiêu chí tiếp tục được cải thiện thì Việt Nam có thể về đích mục tiêu này sớm hơn vào 2025.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên sớm hơn, bên cạnh sự thay đổi nội tại mang tính cơ bản của nền kinh tế Việt Nam thì theo FiinRatings, còn có những yếu tố cần phải được lưu ý:
Một là, tăng cường minh bạch thông tin và dữ liệu về kinh tế - tài chính theo 5 nhóm tiêu chí đánh giá như trình bày ở trên, cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo của S&P, Việt Nam còn nhiều khoảng trống về dữ liệu, độ trễ trong các báo cáo và chưa có độ chính xác cao.
Hai là, nâng cao chất lượng dữ liệu nợ nước ngoài, do số liệu này của Việt Nam còn thiếu đồng nhất và có một vài sai số. S&P nhận định rằng thiếu hụt dữ liệu về vị thế đầu tư quốc tế có thể khiến việc đánh giá rủi ro nợ nước ngoài thiếu chính xác.
Ba là, cải thiện hơn nữa về chính sách và thể chế bao gồm tăng cường khả năng vận hành chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong các chính sách tiền tệ. S&P cho rằng năng lực của Ngân hàng Nhà nước có thể được cải thiện để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ nền kinh tế trước những cú sốc kinh tế và tài chính.
Bốn là, cần lưu ý tới rủi ro nợ tiềm tàng trong hệ thống ngân hàng đang ở mức vừa phải, bởi quy mô tín dụng của hệ thống so với GDP (hơn 150%) đang ở mức lớn so với quy mô phát triển của quốc gia và được xếp vào nhóm 9 trong Đánh giá Rủi ro tín dụng ngành Ngân hàng của S&P (1-10 từ thấp đến cao).