Việt Nam - ADB tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 14/8, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đã có cuộc tiếp Đoàn công tác các Giám đốc điều hành của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do bà Charlotte Justine Diokno Sicat - Giám đốc điều hành làm Trưởng đoàn.
Đoàn công tác các giám đốc điều hành của ADB sang Việt Nam từ ngày 13-16/8/2024. Thành phần Đoàn đến thăm và làm việc tại Bộ Tài chính Việt Nam gồm 7 giám đốc điều hành phụ trách các nhóm nước khác nhau và các chuyên gia của ADB, trong đó có ông Sangmin Ryu - Giám đốc điều hành phụ trách Việt Nam và ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Việt Nam.
Hiện nay, có 13 Dự án ADB đang được triển khai với tổng giá trị vay là 1,3 tỷ USD. Trong giai đoạn 2023-2026, Tổng danh mục các Dự án ADB cho Việt Nam trị giá 3,8 tỷ USD.
Bày tỏ vui mừng chào đón Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Võ Thành Hưng khẳng định, ADB là nhà tài trợ lớn của Việt Nam trong lĩnh vực vay, viện trợ các dự án đầu tư công. Tính đến tháng 8/2024, ADB và Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định vay và viện trợ với tổng giá trị 13,3 tỷ USD cho các chương trình, dự án tập trung vào các lĩnh vực: giao thông, y tế và giáo dục, nước và hạ tầng đô thị, nông nghiệp và tài nguyên, năng lượng.
"Đây đều là những lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam chú trọng đầu tư, nhất là tại khu vực vùng sâu vùng xa, các địa phương còn nhiều khó khăn để đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau", Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết.
Đồng thời, gần đây ADB đã có hỗ trợ rất lớn với Việt Nam nhằm đáp ứn nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi năng lượng, góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
“ADB không chỉ hỗ trợ về vốn mà còn về công nghệ, kinh nghiệm quản lý và những tư vấn kỹ thuật khác. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ ADB, thời gian tới mong ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua, trong đó có việc điều hành chính sách tài khoá, Thứ trưởng cho hay, nền kinh Việt Nam đang từng bước vượt qua những khó khăn, song các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong điều kiện đó, Việt Nam kiên định điều hành chính sách tài khoá mở rộng. Việc điều hành chính sách tài khoá mở rộng trong thời gian qua là tương đối phù hợp, giúp nền kinh tế giảm thiểu được những tác động từ cú sốc bên ngoài, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, từng bước phục hồi, không để xảy ra những biến động quá lớn về chỉ số kinh tế vĩ mô.
Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, Việt Nam đặt mục tiêu năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, đây là mục tiêu lớn mà Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện thành công. Trong quá trình đó, nhu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển của Việt Nam là rất lớn, trong khi khả năng huy động từ thị trường trái phiếu chính phủ, nguồn vốn trong nước chưa thể đáp ứng. Cùng với đó, nhằm phát triển quan hệ ngoại giao gắn liền với hợp tác phát triển kinh tế thì nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài vẫn rất cần thiết cho đầu tư phát triển, đặc biệt cho các dự án cơ sở hạ tầng chống chịu biến đổi khí hậu có nhu cầu vốn lớn, yêu cầu công nghệ cao trong khi vốn đầu tư công trong nước và khu vực tư nhân chưa đáp ứng đủ.
Thời gian tới, trong bối cảnh khả năng cung ứng của thị trường vốn trong nước còn hạn chế, để thực hiện các cam kết về chuyển đổi năng lượng, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số…, Việt Nam cần thiết phải huy động nguồn vốn lớn từ bên ngoài thông qua các tổ chức tài chính song phương và đa phương quan trọng như ADB.
Thời gian qua, việc ký kết các khoản vay với ADB đang có sự chậm lại, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn ADB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong trao đổi thông tin và hài hòa các khác biệt trong quá trình đàm phán, tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc giữa yêu cầu quy định của ADB và pháp luật Việt Nam (liên quan đến pháp luật về đấu thầu, quản lý vốn vay ODA và vay ưu đãi, điều ước quốc tế…).
Cụ thể, Thứ trưởng đề nghị ADB cùng hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền để cùng ký kết Hiệp định khung nhằm tạo cơ sở pháp lý chuẩn bị dự án theo quy định của ADB, là một trong những điều kiện để ADB duyệt khoản vay. Đồng thời, đề nghị phía ADB giảm bớt các nội dung cam kết chi tiết để đảm bảo hài hòa quy định của hai bên, tuân thủ pháp luật của Việt Nam cũng như quy định của ADB nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đàm phán, ký kết các khoản vay cho dự án đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt...
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị ADB nghiên cứu, xem xét các phương thức tài trợ mới với lãi suất ưu đãi hơn; tích cực phối hợp cùng các cơ quan chủ quản huy động thêm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại đi kèm khoản vay, nhằm làm mềm chi phí vay và đảm bảo nguồn vốn của ddự án.
Phát biểu đáp từ Thứ trưởng, thay mặt Đoàn công tác, bà Charlotte Justine Diokno Sicat - Giám đốc điều hành cảm ơn sự tiếp đón chu đáo của Thứ trưởng và Bộ Tài chính Việt Nam dành cho Đoàn công tác, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao các kết quả, thành tựu đạt được của Chính phủ Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có sự đóng góp và vai trò quan trọng của Bộ Tài chính.
Theo bà Charlotte Justine Diokno Sicat, thời gian tới, ADB mong muốn sẽ có thể giải quyết đuợc những khó khăn, vướng mắc của hai bên để đẩy nhanh ký kết các khoản vay. ADB sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, qua đó giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, cũng như đạt đến sự phát triển bền vững, thịnh vượng.
"ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội", bà Charlotte Justine Diokno Sicat nhấn mạnh.
Tại cuộc tiếp, các giám đốc điều hành của ADB đã trao đổi với Thứ trưởng Võ Thành Hưng về một số nội dung gồm: quan hệ đối tác của ADB với Việt Nam và những đóng góp của ADB vào sự chuyển đổi đáng kể của Việt Nam trong ba thập kỷ qua; Triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế và triển vọng chính sách; các hoạt động cho vay/hỗ trợ có bảo lãnh chính phủ của ADB tại Việt Nam; tiến độ và triển vọng mở rộng hoạt động của khu vực tư nhân của ADB...