Vì sao không dễ điều hành giá xăng dầu 7 ngày/lần

Mặc dù đề xuất phương án trên, Bộ Công Thương lại cho rằng việc rút ngắn xuống 7 ngày/lần cũng có nhược điểm là thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng tới khi về đến cảng) khoảng 10-15 ngày, nên khi thị trường bất ổn theo xu hướng bất lợi, doanh nghiệp sẽ lại có ý kiến.

Mới đây, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ, trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, 2 và 3 tháng 1 Âm lịch của Tết Nguyên đán (sẽ được chuyển sang ngày mùng 4).

-5906-1673411329.jpg

Việc rút ngắn xuống 7 ngày/lần cũng có nhược điểm là thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng tới khi về đến cảng) khoảng 10-15 ngày.

Nêu lý do chọn phương án này, Bộ Công Thương cho rằng sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng việc rút ngắn xuống 7 ngày này cũng có nhược điểm là thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng tới khi về đến cảng) khoảng 10-15 ngày, nên khi thị trường bất ổn theo xu hướng bất lợi, doanh nghiệp sẽ lại có ý kiến. Bởi việc này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vì họ khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu, nhất là lúc chu kỳ giá đi xuống.

Vì vậy, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nêu quan điểm Bộ Công Thương nên tổ chức một cuộc trao đổi giữa Bộ với hiệp hội, doanh nghiệp để chia sẻ về tình hình thực tế của Việt Nam. Như vậy sẽ rõ điều hành mấy ngày phù hợp, giúp doanh nghiệp có tiếng nói của mình, tránh khi đề xuất được thông qua, doanh nghiệp sẽ thấy bị áp đặt.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, đặc thù nhập khẩu xăng dầu ở Việt Nam khác với Singapore, bởi nước này tàu xăng dầu cập đỗ ngay ở cảng, họ là nơi trung chuyển xăng dầu nhập khẩu, từ đây xăng dầu đi các thị trường khác. Nói cách khác, xăng dầu ở Singapore sở dĩ điều chỉnh hằng ngày được là do sẵn có và là nước “chia bài”.

Còn Việt Nam thì sao, chúng ta vẫn phụ thuộc nhập khẩu từ 20-25% xăng dầu từ nước ngoài. Thông lệ thương mại quốc tế và giao nhận vận tải, nếu mua khối lượng ít, chúng ta phải phụ thuộc vào chuyến hàng, mua nhiều thì phải thuê riêng tàu. Hiện nay, Việt Nam chỉ nhập từ 20-25% thì không thể thuê tàu riêng hàng trăm nghìn, đến hàng triệu tấn được.

Ông Thịnh nói: Các doanh nghiệp xăng dầu hiện nay chủ yếu nhập xăng dầu theo kỳ hạn trung bình 6 tháng, nếu giao ngay trong tháng chấp nhận giá thị trường, giao đến tay khách mua cũng phải mất 15 ngày đàm phán phương tiện vận tải, giao nhận và phân phối.

Vì vậy, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, việc cho rằng Việt Nam chủ động được lọc hoá dầu thành xăng dầu nên chúng ta có thể điều chỉnh giá xăng theo 3-7 ngày hoặc ngắn hơn, điều này chỉ đúng một phần.

“Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu, đều nằm ở miền Trung, không phải các đầu mối đến Dung Quất hay Nghi Sơn là có thể lấy xăng, mà giá xăng dầu bán lẻ căn cứ trên giá cơ sở, tồn kho và phân giao đầu mối. Hơn nữa, Việt Nam cũng phải nhập khẩu dầu thô, cũng theo kỳ hạn, chính vì vậy phải tuân thủ theo mức giá của thế giới”, ông Thịnh cho hay.

Lê Thúy 

Lượt xem: 8
Tác giả: Lê Thúy 
Tin liên quan