Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%
Triển khai Luật Bảo vệ môi trường, đến nay, các địa phương đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản triển khai Luật với nhiều kết quả tích cực như: Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt hơn 92%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%...
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm qua, Bộ đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, qua đó tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.
Bên cạnh hoàn thiện chính sách, pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động quản lý tài nguyên đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; qua đó góp phần đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, tài nguyên nước, thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của Đất nước.
Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2023, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922 ha; hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình trọng điểm quốc gia; ưu tiên bố trí ngay 9,1 triệu m3 cát đắp phục vụ các dự án cao tốc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng chú ý, việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được cải thiện về hiệu quả, hiệu lực; trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường ngày càng được nâng cao.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, các địa phương đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản triển khai, với nhiều kết quả tích cực như: tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt hơn 92%; cơ bản hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%...
Để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Việc triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu rất tích cực, đạt những kết quả quan trọng. Đặc biệt, trong hoạt động thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, Việt Nam là nước đầu tiên công bố kế hoạch huy động nguồn lực, đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng tới việc thực hiện cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) được thống nhất giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG)…
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi để huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên của Đất nước; tiếp tục tổ chức hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước...
Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thông qua việc tiếp tục xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.