Từng bị Mỹ làm ‘tê liệt’, trùm công nghệ Trung Quốc hồi phục ngoạn mục
Bất chấp loạt lệnh cấm vận hà khắc của Mỹ, “ông trùm” viễn thông Trung Quốc Huawei đang từng bước khẳng định sự kiên cường và linh hoạt của mình khi liên tục ghi nhận những thành tựu mới thời gian gần đây.
Trở lại top 5 hãng chip di động hàng đầu
Theo phân tích mới nhất được công bố bởi công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint, công ty con HiSilicon của Huawei đã trở thành nhà sản xuất chip di động lớn thứ năm thế giới, chiếm 3% thị phần chipset di động toàn cầu.
Nghiên cứu, dựa trên kết quả quý III vừa qua, cho thấy Qualcomm tiếp tục đứng đầu danh sách năm nay với 40% thị phần chipset, nhờ việc sử dụng rộng rãi chip Snapdragon 8 Gen 2 trong các thiết bị hàng đầu cao cấp ở Trung Quốc.
Đứng ở vị trí thứ 2 là “táo khuyết” Apple, với thị phần lên tới 31%. Trong khi đó, công ty bán dẫn Đài Loan MediaTek đứng thứ ba với 15% thị phần.
Theo tính toán của Counterpoint, tổng thị phần của ba hãng chipset lớn nhất thế giới chiếm tới 86% toàn bộ thị trường bộ xử lý di động.
Một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất toàn cầu là Samsung đứng thứ tư trong danh sách, với thị phần 7%.
Theo sau là Huawei ở vị trí thứ năm, UNISOC của Trung Quốc đứng thứ sáu với 2% thị phần, trong khi Google đứng thứ bảy kiểm soát 1% thị trường toàn cầu với bộ xử lý Tensor.
Đây được xem là cột mốc đánh dấu sự phục hồi ấn tượng của Huawei, sau nhiều năm vật lộn với tình trạng thiếu linh kiện do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei nằm trong số các tập đoàn lớn của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm công nghệ sâu rộng của Mỹ. Năm 2019, Washington đã cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và thiết bị cho Huawei và hạn chế các nhà sản xuất chip quốc tế sử dụng công nghệ do Mỹ sản xuất để hợp tác với công ty Trung Quốc. Nhà Trắng cho rằng lệnh cấm công nghệ là do lo ngại về an ninh quốc gia, bao gồm cả khả năng bị Bắc Kinh tấn công mạng hoặc do thám. Trước năm 2020, Huawei là công ty dẫn đầu toàn cầu trong ngành điện thoại thông minh, chỉ sau Samsung và Apple. Tuy nhiên, nó phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ và linh kiện sản xuất tại Mỹ hoặc do các công ty sản xuất theo bằng sáng chế của Mỹ. |
‘Vũ khí” quan trọng nhất của Bắc Kinh
Chưa đầy 5 năm sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ gần như làm tê liệt Huawei, gã khổng lồ Trung Quốc hiện là vũ khí quan trọng nhất của Bắc Kinh trong cuộc chiến về chất bán dẫn vốn sẵn sàng định hình nền kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ tới.
Vị thế của Huawei được cải thiện nhờ sự thành công của các sản phẩm tung vào thị trường năm 2023, bắt đầu với loạt smartphone Mate 60. Thiết bị di động được trang bị bộ vi xử lý Kiri 9000s và hỗ trợ 5G, nhanh chóng trở thành cơn sốt ở Trung Quốc.
Theo phát hiện mới nhất từ công ty nghiên cứu TechInsights, điện thoại thông minh Mate 60 Pro của Huawei cho thấy “tiến bộ đáng kể” trong thiết kế và kỹ thuật chip tần số vô tuyến nội địa của Trung Quốc.
Dòng Mate 60 đang khan hàng tại Trung Quốc, liên tục phải lùi ngày giao. Sau hơn 8 tuần đầu, Mate 60 ghi nhận doanh số ở nước này là 2,4 triệu máy, theo Counterpoint Research.
Ngoài lĩnh vực viễn thông, Huawei mới đây đã “lấn sân” sang lĩnh vực gây sốt toàn cầu hiện nay chính là xe điện. Mẫu xe AITO M7 mà Huawei hợp tác với Seres JV sản xuất đã thành công vượt mong đợi khi chỉ sau 25 ngày mở đặt cọc, mẫu xe này đã nhận hơn 50.000 đơn hàng.
Vai trò của Huawei trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc vượt xa những gì đã được đưa tin trước đây.
Ngoài việc là khách hàng quan trọng nhất của các nhà sản xuất chip và nhà thiết kế chip hàng đầu đất nước, Huawei còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn và tài chính cho các công ty nhỏ hơn trong các lĩnh vực chiến lược của chuỗi cung ứng chip. Tuy vậy, Huawei thường làm điều này “một cách giấu mặt”, điều khiến Mỹ khó ra tay hạn chế.
Phát biểu tại một sự kiện đầu tháng 12 vừa qua, ông Richard Yu Chengdong, Giám đốc điều hành nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei và là chủ tịch đơn vị kinh doanh giải pháp ô tô thông minh của Huawei, cho hay tập đoàn này sẽ phát hành các ứng dụng và sản phẩm gốc dựa trên nền tảng di động HarmonyOS do hãng tự phát triển vào năm tới, đưa công ty trở thành một trong những nhà khai thác hệ điều hành hàng đầu tại Trung Quốc.
Xem thêm >> Lấn sân xe điện, ‘ông lớn’ Trung Quốc tham vọng sánh ngang Porsche và Tesla