Từ đắn đo vốn vay của ngành tôm đến gỡ khó dòng tiền cho chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp

Quan sát tình hình ngành tôm hiện nay sẽ thấy, các doanh nghiệp và người nuôi đều đắn đo trong chuyện vay vốn, xem như “nút thắt cổ chai”, chưa vay đã thấy lỗ ngay trước mắt. Từ đó, suy rộng ra trong chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp để thấy, việc gỡ khó về dòng tiền đang cần những giải pháp tài trợ vốn có tính chất cởi mở hơn.

Trong tài liệu của CTCP tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) nhằm phục vụ cho đại hội cổ đông thường niên 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 24/6 sắp tới, có lưu ý vào thời điểm cuối năm 2022, nợ ngắn hạn và dài hạn đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ, góp phần đẩy nhanh tăng trưởng của tổng nợ, cụ thể lần lượt tăng 15,20% và 154,73%, tổng nợ phải trả tăng 19,32%.

Chưa vay đã thấy lỗ ngay trước mắt

Về cơ cấu vốn, theo MPC, tại thời điểm ngày 31/12/2022, MPC duy trì tỷ trọng nợ thấp hơn vốn chủ sở hữu với 45,62% trên tổng tài sản, có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Sỡ dĩ có sự thay đổi này là do trong năm 2022, công ty gia tăng vay vốn ngân hàng, một mặt bổ sung vốn lưu động trong ngắn hạn, một mặt chú trọng đầu tư mở rộng nhà máy và máy móc thiết bị.

-7539-1686910177.png

Để gỡ khó dòng tiền cho chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp đang cần những giải pháp tài trợ vốn cởi mở hơn.

Còn báo cáo tài chính hợp nhất được công bố hồi tháng 5/2023 của MPC cho thấy, tính đến cuối quý 1/2023 tổng số nợ phải trả (gồm nợ vay ngắn hạn và dài hạn) vào khoảng 3.830 tỷ đồng, tính ra đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm nay (hơn 4.852 tỷ đồng).

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT của MPC, phần lớn doanh nghiệp (DN) chế biến tôm hiện nay đều hết sức đắn đo, cân nhắc trong việc vay vốn ngân hàng dù cho đang rất cần vốn để mua tôm nguyên liệu dự trữ, chuẩn bị cho cao điểm chế biến vào giữa quý 3/2023.

"Các DN ngành tôm dù đang rất cần vốn nhưng vẫn hết sức dè dặt do xuất khẩu vẫn đang gặp khó. Trong khi đó, dù lãi suất đồng Việt Nam thời gian qua có giảm nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức khá cao", ông Quang nói. 

Không chỉ vậy, các DN cũng đã lường trước chuyện chưa vay vốn nhưng đã thấy lỗ ngay trước mắt trước bối cảnh lợi nhuận của DN ngành tôm đang đi lùi, cộng thêm đầu ra chật vật, giá bán giảm liên tục.

Còn về vấn đề vốn vay cho người nuôi tôm, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), “nút thắt cổ chai” này cũng là điểm nghẽn đáng kể.

Như băn khoăn của ông Lực, các ngân hàng thương mại khó có thể phá quy định, bởi người nuôi không còn gì để thế chấp làm sao cho vay, trong khi nhu cầu vốn nuôi tôm là con số không nhỏ.

Để phần nào tháo gỡ bế tắc này, cũng cần nghĩ đến một chuỗi liên kết giữa các yếu tố đầu vào, ngân hàng, đại lý mua tôm và người nuôi. Chuỗi này trên thực tế đã hình thành từ cách đây 5 năm (tiên phong phải kể đến Công ty C.P Việt Nam) và kết quả khá khả quan, cần nhân rộng. 

Cần giải pháp tài trợ vốn cởi mở hơn

Ông Lực cho rằng các nhà cung ứng khác đã hình thành chuỗi liên kết tương tự và có mô hình nuôi riêng cho mình, và tất cả đã góp phần vực dậy một bộ phận người nuôi, duy trì sản lượng tôm nuôi và có phát triển nhẹ các năm qua. Do vậy, người nuôi nên chú trọng hợp tác với các chuỗi này.

Từ câu chuyện về dòng vốn của ngành tôm, sẽ thấy đây còn là vấn đề chung của ngành nông nghiệp và rất cần các DN, nông hộ, cơ quan quản lý cùng nhau tháo gỡ. Nhất trong thời điểm khó khăn như hiện nay, cả DN và nông hộ đều đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, nhưng bên cạnh đó, do chưa nhìn thấy tín hiệu tích cực từ thị trường tiêu thụ nên họ còn đắn đo, chưa mạnh dạn trong chuyện vay vốn.

Trong khi đó, đứng ở góc độ của một tổ chức tài chính quốc tế quan tâm đến kinh tế Việt Nam và có những khoản đầu tư tài chính lớn vào những DN có đường hướng tốt, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC (thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam, Campuchia và Lào, nhấn mạnh bản thân tổ chức này ưu tiên lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp bởi những tác động to lớn về mặt phát triển và xóa đói giảm nghèo mà ngành này có thể mang lại.

Theo ông Jacobs, việc hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp ở địa phương và tạo thuận lợi cho dòng chảy giao thương hàng hoá, sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi và khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp trong tương lai ở Việt Nam.

“Điều này sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện sinh kế của người dân”, ông Jacobs nói.

Chính vì vậy, vào giữa tháng 6/2023, IFC đã có thông báo về việc họ với Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - một ngân hàng hàng đầu Nhật Bản - sẽ đồng cung cấp khoản vay được bảo lãnh bằng hàng hoá trị giá 40 triệu USD cho một công ty kinh doanh nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam.

Khoản tài trợ này sẽ đặc biệt giúp thúc đẩy thị trường tài trợ kho hàng ở Việt Nam, hiện còn ở giai đoạn non trẻ, khuyến khích các ngân hàng trong nước tham gia vào chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp để tối ưu hóa các cơ hội tài trợ trong ngành có nhiều tiềm năng này. 

Về phía đại diện DN nhận khoản vay nêu trên, cho rằng giải pháp tài trợ như vậy sẽ là tiền đề cho phép công ty nhận các khoản vay thông qua việc sử dụng nguyên liệu thô làm tài sản đảm bảo. Điều này sẽ giúp công ty chủ động và linh hoạt hơn trong việc thu mua, dự trữ, và phân phối nguyên vật liệu và hàng hóa, hướng đến một hệ thống tối ưu đạt được hiệu quả cao nhất.

Nói chung, để thúc đẩy chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam thì những “nút thắt”, đắn đo về vốn vay như trường hợp ở ngành tôm rất cần được giải quyết sớm. Và suy rộng ra, việc tăng cường nguồn vốn lưu động cho các nhà sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp cũng cần có những giải pháp tài trợ vốn có tính chất cởi mở hơn.

                                                                                          Thế Vinh

Lượt xem: 8
Tác giả: Chưa vay đã thấy lỗ ngay trước mắt
Tin liên quan