TS. Ngô Công Thành: Thêm công cụ đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài

Với việc Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) vừa ra mắt 2 bộ tiêu chí đánh giá và thẩm định dự án FDI, TS. Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) kiêm Phó Chủ tịch Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho biết, 2 bộ tiêu chí này sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý cấp tỉnh thực thi dễ dàng hơn nhiệm vụ rà soát, xử lý lựa chọn dự án đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và trả lời nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.

Phóng viên: Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) vừa ra mắt 2 bộ tiêu chí: Thẩm định dự án đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Bộ tiêu chí Thẩm định) và Giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh (Bộ tiêu chí Giám sát), nhằm giúp các địa phương và nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư nước ngoài. Đâu là xuất phát điểm để ISC đề xuất 2 bộ tiêu chí này, thưa ông?

TS. Ngô Công Thành: Hiện các tiêu chí để thẩm định, đánh giá dự án FDI phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Do vậy công tác đánh giá, thẩm định các dự án FDI ở địa phương gặp không ít khó khăn, khi áp dụng vào thực tế có thể dẫn đến sai sót, lọt lưới các dự án không mong muốn.

mr.-ngo-cong-thanh.png

TS. Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) kiêm Phó Chủ tịch Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA)

Bên cạnh đó, chưa có bộ tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả FDI thống nhất ở các cấp, các ngành, các địa phương để làm căn cứ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trên phạm vi quốc gia, cũng như trong từng địa phương. Các báo cáo về FDI hiện nay chủ yếu đánh giá FDI dựa trên các chỉ tiêu kết quả thu hút và sử dụng FDI cũng như đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, nhằm hỗ trợ lãnh đạo và chính quyền cấp tỉnh trong việc thẩm định lựa chọn dự án FDI và giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI trên địa bàn, với sự hỗ trợ tài chính của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) đã nghiên cứu và đưa ra 2 bộ tiêu chí về thẩm định và đánh giá dự án FDI.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ giá trị ứng dụng của 2 bộ tiêu chí này trong thực tế?

TS. Ngô Công Thành: 2 bộ tiêu chí này sẽ hỗ trợ thường trực tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng cấp tỉnh thực thi dễ dàng hơn nhiệm vụ rà soát, xử lý lựa chọn dự án đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và trả lời nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, giúp tỉnh ủy và chính quyền tỉnh giám sát, đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp của khu vực FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như kết quả đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong việc hợp tác đầu tư với nước ngoài.

Còn với các nhà đầu tư nước ngoài, khi tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam, có thể dựa vào bộ tiêu chí này để chuẩn bị hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án của mình và chuẩn bị văn bản báo cáo các cơ quan chức năng tình hình thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định.

Phóng viên: Theo ghi nhận thực tế tại các địa phương cho thấy, nhiều nơi đang gặp rất nhiều áp lực liên quan đến đánh giá được các rủi ro đặc thù của dự án FDI như: rủi ro chính trị, rủi ro tỷ giá, rủi ro pháp lý, tài chính… nên đã “lọt” những dự án không mong muốn. Vậy bộ tiêu chí có thể giúp các địa phương gỡ vướng những vấn đề này, thưa ông?

TS. Ngô Công Thành: Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế việc vận dụng pháp luật về đầu tư của một số địa phương nhằm nhận diện rõ những vấn đề đặt ra và những vướng mắc chủ yếu trong quá trình triển khai thực hiện Luật đầu tư và Nghị quyết 50-NQ/TW mà các địa phương đang gặp phải, ISC đã tập hợp các quy định, hình thành nên 2 bộ tiêu chí này.

Trong đó, Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh gồm 36 tiêu chí, chia thành 7 nhóm:

Về thu hút FDI có 2 tiêu chí: vốn FDI đăng ký mới và quy mô dự án.

Về sử dụng FDI có 5 tiêu chí: Vốn FDI thực hiện trong kỳ báo cáo, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện, số dự án FDI đã đi vào kinh doanh, số dự án FDI phải xem xét chấm dứt hoạt động và số dự án bị giải thể trước thời hạn.

Về hiệu quả kinh tế của khu vực FDI có 9 tiêu chí: Đóng góp của khu vực FDI vào GRDP của tỉnh, hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sử dụng lao động, hiệu quả kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước, xuất khẩu, nhập khẩu, tác động lan tỏa, tỷ lệ nội địa hóa.

Về hiệu quả xã hội của khu vực FDI có 8 tiêu chí: Việc làm, thu nhập bình quân của người lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, sử dụng lao động là người khuyết tật, phát triển tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Về bảo vệ môi trường có 4 tiêu chí: Kiểm soát khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, quản lý môi trường, chấp hành Luật Bảo vệ môi trường.

Về công nghệ và quản lý có 4 tiêu chí: Ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, quản lý chất lượng, đổi mới sáng tạo.

Về đảm bảo an ninh có 4 tiêu chí: Đầu tư nước ngoài tại khu vực ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh; đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy; vi phạm về chuyển giá, trốn thuế; vi phạm an ninh chính trị xã hội.

Phóng viên: Các tiêu chí do ISC đề xuất có mâu thuẫn với Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hay không?

TS. Ngô Công Thành: Bộ tiêu chí do ISC xây dựng với mục đích cung cấp công cụ phân tích, đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm để nhận diện các bất cập, hạn chế của dòng vốn FDI vào địa phương. Trên cơ sở đó, có chính sách, giải pháp xử lý kịp thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của từng địa phương và cả nước. Mục đích trước mắt là phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII ở từng địa phương và trong cả nước.

ISC không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên Bộ tiêu chí mà ISC công bố không mang tính chất văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản chỉ đạo điều hành. Bộ tiêu chí ISC xây dựng chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động hợp tác đầu tư với nước ngoài của thường vụ tỉnh ủy/thành ủy và thường trực ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh.

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí, chúng tôi đã trao đổi, xin ý kiến của các chuyên gia có liên quan ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đảm bảo các tiêu chí do ISC đề xuất không mâu thuẫn với Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của các bộ tiêu chí này?

TS. Ngô Công Thành: Các tiêu chí ISC công bố được xác định trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật, lại xuất phát từ nhu cầu thực tế. Hai bộ tiêu chí này cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW nên Bộ tiêu chí này có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 
Lượt xem: 0
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật