TP Hồ Chí Minh xanh hóa nông nghiệp, giảm phát khí thải

TP Hồ Chí Minh vẫn luôn xác định việc phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học là hướng đi tất yếu của tương lai. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để hoàn thành mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh, giảm phát khí thải và bảo vệ môi trường.

Từ chính sách đến thực tế

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Thành phố tập trung vào một số mục tiêu chính là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ về giống; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất giống và khu nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng xác định phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường được coi là định hướng phát triển quan trọng. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để hoàn thành mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Theo kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, có nội dung nhấn mạnh về phương án thu hút nguồn lực quốc tế, tăng cường hợp tác nghiên cứu, thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cán bộ về quản lý phát thải khí metan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn…

Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh luôn chủ trương hiện đại hóa, công nghệ hóa

Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh luôn chủ trương hiện đại hóa, công nghệ hóa, xanh hóa

Nhiều nơi trên địa bàn thành phố đã tập trung các biện pháp phát triển nông nghiệp xanh bằng việc sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu gốc hóa học, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm... Nhiều mô hình đã ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải để giảm lượng rác thải ra môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên để phát triển nông nghiệp bền vững.

Cụ thể như, tháng 6/2023, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn phương pháp "Tái sử dụng cỏ khô và phụ phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi bò thịt" cho các nhà khoa học, nông dân Việt Nam.

Theo các chuyên gia, phương pháp ủ rơm bằng men vi sinh cũng sẽ giúp người nông dân tránh thất thoát nguồn rơm rạ khi thu hoạch vào mùa mưa, giảm phát sinh khí metan.

Tại Việt Nam, ước tính nguồn rơm rạ được tạo ra hàng năm là rất lớn, khoảng 50 triệu tấn/năm. Tái sử dụng nguồn tài nguyên rơm rạ hiệu quả, đúng mục đích không chỉ giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn góp phần cải thiện sinh kế đáng kể cho nông dân trồng lúa.

Phương pháp ủ rơm bằng men vi sinh giảm phát sinh khí metan

Phương pháp ủ rơm bằng men vi sinh giảm phát sinh khí metan

Hay mô hình của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt đã không có xả thải, sử dụng 100% nhiên liệu từ điện và tuần hoàn hóa từ các nguyên liệu, từ các phế phẩm, như thân, cọng rau sẽ chế biến lại thành phân bón.

Tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và đặc biệt là chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt và thủy sản...

Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh hiện đang triển khai những chương trình hỗ trợ tài chính đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh. Điển hình như các chương trình hỗ trợ về chi phí mua sắm trang thiết bị công nghệ cao, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) với khoản vay không lãi suất hoặc có mức lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất thị trường; thời hạn vay kéo dài từ 3 - 10 năm tùy thuộc vào mô hình, loại hình dự án để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp; giới thiệu nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận các hình thức hỗ trợ tài chính khác thông qua hoạt động đầu tư.

Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác

Bên cạnh các chương trình, hành động đã và đang thực hiện, TP Hồ Chí Minh cũng chú trọng chính sách thúc đẩy hợp tác và liên kết.

Cụ thể, thành phố khuyến khích, tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao.

Thành phố khuyến khích liên kết giữa các hợp tác xã để chia sẻ máy móc, thiết bị và công nghệ mới, hỗ trợ kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và nguồn nhân sự để tối ưu hóa chi phí và hiệu quả sử dụng…

Sản phẩm OCOP của TP Hồ Chí Minh tại hội chợ triển lãm

Sản phẩm OCOP của TP Hồ Chí Minh tại hội chợ triển lãm

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đang tư vấn và hỗ trợ cho hơn 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ ươm tạo 20 đến 50 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, thành phố cũng kết nối hơn 50 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.

 

 

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 3
Tác giả: Nguyễn Trang
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật