Tiếp tục tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, góp ý chính sách của ngành Tài chính

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1763/QĐ-BTC về Kế hoạch triển khai thi hành Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” của Bộ Tài chính.

Theo đó, Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức truyền thông các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, đặc biệt là các dự thảo chính sách được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách.

Truyền thông các chính sách có tác động trên phạm vi cả nước đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế nhằm góp phần nâng cao chất lượng của chính sách, tạo sự đồng thuận trong xã hội từ đó nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách sau khi được ban hành.

Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo; tạo cơ sở để các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính thực hiện công tác truyền thông chính sách bài bản, thống nhất; Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông của ngành Tài chính trong việc truyền thông cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến xã hội thuộc thẩm quyền ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Bộ Tài chính đặt mục tiêu năm 2024 xây dựng, quán triệt, triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tại Bộ Tài chính; Bảo đảm 70% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính được tổ chức truyền thông từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo đến khi ban hành, tổ chức thực hiện. Phấn đấu từ năm 2025 trở đi, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính được tổ chức truyền thông từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo đến khi ban hành, tổ chức thực hiện.

Kế hoạch được triển khai thực hiện từ năm 2024 đến năm 2024. Tại Kế hoạch này, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị bám sát nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Tài chính, phát huy thế mạnh của từng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính và huy động sự tham gia tích cực của báo chí ngành Tài chính trong công tác truyền thông chính sách. Cùng với đó, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luât; Đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không trùng lặp và phù hợp với tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính.

Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, góp ý, phản biện chính sách trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách của Bộ Tài chính góp phần nâng cao chất lượng và tính khả thi của chính sách cũng như ý thức tuân thủ pháp luật tài chính của người dân... Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhằm phát huy vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan thông tấn, báo chí trong thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật; quán triệt các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình thực hiện.

Để triển khai Kế hoạch đạt hiệu quả, chất lượng, Bộ Tài chính đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Tập trung chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị về vị trí, vai trò của hoạt động truyền thông đối với việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của ngành; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác truyền thông; Xây dựng nội dung truyền thông dự thảo chính sách; Tăng cường nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông chính sách của Bộ.

 

Các cơ quan báo chí ngành Tài chính cần chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ để nắm bắt kế hoạch, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trong từng năm để có kế hoạch truyền thông cụ thể, phù hợp; Chủ động xây dựng tin, bài, chuyên đề… đăng tải tuyên truyền về dự thảo chính sách trên các kênh của đơn vị để lan tỏa thông tin. Đồng thời, tăng cường đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức truyền thông, tăng cường sử dụng nền tảng số, các kênh truyền thông mới, hỗ trợ chuyển đổi các sản phẩm thông tin sang các ngôn ngữ nước ngoài...

Lượt xem: 5
Tin liên quan