Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay

Trong điều kiện lãi suất huy động tăng, để giữ ổn định lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch đề ra, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 15, ngành Ngân hàng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu và thực thi trách nhiệm cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, của ngân hàng trung ương (NHTW) cũng như tinh thần sẻ chia, trách nhiệm xã hội vì lợi ích chung.

Theo đó, một số giải pháp mà các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cần chú trọng thực hiện đồng bộ gồm:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách và các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình của Chính phủ, NHTW và UBND thành phố. Trong đó với các chương trình tín dụng hiện hữu đã và đang thực hiện trong nhiều năm qua, như: chương trình cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng theo quy định ở mức thấp (hiện nay không quá 4,5%/năm); chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo Nghị định 55; cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay kích cầu đầu tư của thành phố; cho vay doanh nghiệp KCN-KCX và cho vay bình ổn thị trường.

Các chương trình này đều có điểm chung là lãi suất cho vay hợp lý và thấp hơn so với mặt bằng chung, bởi quy định của NHTW, của UBND TP hoặc bởi liên kết, kết nối nhờ lợi ích mang lại hài hòa giữa các bên: ngân hàng và doanh nghiệp. Thực hiện tốt các chương trình này, sẽ giảm bớt áp lực tăng lãi suất theo xu hướng chung của thị trường khi lãi suất huy động tăng hoặc giữ ổn định được lãi suất, thậm chí giảm lãi suất so với mặt bằng chung.

Thứ hai, thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ hiệu quả, góp phần trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm bớt tác động về áp lực tăng lãi suất cho vay khi lãi suất huy động vốn tăng. Mặc dù hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thuộc các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết 11 của Chính phủ, song thực hiện tốt gói hỗ trợ này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, có tác động chung đến thị trường và yêu cầu giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay khi lãi suất huy động vốn tăng.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển và cung ứng các dịch vụ ngân hàng hiện đại với sự tiện ích, nhanh chóng gắn với cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với nội hàm không ngừng đổi mới quy trình giao dịch, thủ tục giao dịch nhằm giảm thời gian giao dịch, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp hữu hiệu, các NHTM đã và đang thực hiện và mang lại lợi ích thiết thực, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, với dịch vụ và phương thức giao dịch hiện đại, cùng việc số hóa hoạt động quản lý, các NHTM sẽ có điều kiện để giảm phí dịch vụ, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp khả thi và đang được nhiều NHTM thực hiện cần mở rộng và tạo hiệu ứng tích cực chung trên toàn hệ thống trong bối cảnh hiện nay.

Thứ tư, tiết giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý và chủ động điều chỉnh mức lợi nhuận mang lại gắn với tinh thần sẻ chia và trách nhiệm xã hội từ các TCTD sẽ mang lại ý nghĩa rất lớn trước yêu cầu giữ ổn định lãi suất cho vay của Chính phủ, của NHTW để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Về mặt nguyên tắc, khi lãi suất huy động tăng, thì lãi suất cho vay tăng theo vì lãi suất huy động là chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi phí thành phần để xác định lãi suất cho vay. Bộ phận còn lại, chiếm tỷ lệ thấp hơn là chi phí quản lý, chi phí hoạt động, lợi nhuận…. Do đó khi lãi suất huy động vốn thay đổi, muốn lãi suất cho vay ổn định, chỉ có thể điều chỉnh và tác động đến bộ phận chi phí còn lại.

Thứ năm, sử dụng hiệu quả công cụ quản lý (thanh tra giám sát ngân hàng) đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về tín dụng, về lãi suất và tỷ giá… để lãi suất, tỷ giá diễn biến theo cung cầu thị trường và định hướng điều hành của NHTW; cũng như sử dụng các biện pháp hành chính về khen thưởng, xử phạt; hỗ trợ có điều kiện cho TCTD về hoạt động, về nguồn vốn… sẽ tạo động lực cho các TCTD thực hiện tốt các giải pháp trên góp phần tạo điều kiện cho toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ năm và chỉ thị 15 của Chính phủ. Đồng thời tạo cơ sở nền tảng để thực hiện kế hoạch trong năm tiếp theo được dự báo còn nhiều khó khăn thách thức và tiềm ẩn rủi ro khó lường, khó đoán định.

Lượt xem: 65
Nguồn:thitruongtaichinhtiente.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật