Thu 411 triệu USD từ xuất khẩu nhưng phải chi tới 7,16 tỷ USD để nhập than

Năm 2022, ngành than xuất khẩu được 1,2 triệu tấn, với trị giá 411 triệu USD; tuy nhiên lượng nhập khẩu về lên tới 31,9 triệu tấn, trị giá 7,16 tỷ USD. Nguyên nhân là than xuất khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất thép, trong khi trong khi nhu cầu trong nước là sản xuất nhiệt điện.

Báo cáo Xuất nhập khẩu 2022 vừa được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) công bố cho thấy bức tranh về hoạt động xuất nhập khẩu của ngành than. 

-2171-1682647999.jpg

Năm 2022, xuất khẩu than đạt kim ngạch 411 triệu USD nhưng phải chi nhập khẩu 7,16 tỷ USD. 

Báo cáo dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho hay, tổng khối lượng than xuất khẩu của cả nước năm 2022 đạt 1,2 triệu tấn với trị giá 411 triệu USD, giảm 33,8% về lượng và tăng 67% về trị giá so với năm 2021.

Về thị trường xuất khẩu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nam Phi là 3 thị trường xuất khẩu than lớn nhất của Việt Nam. Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu than lớn nhất của nước ta đạt 719 nghìn tấn với trị giá đạt 240 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng mạnh 197% về trị giá so với năm 2021.

Tiếp đến là xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 129,9 nghìn tấn, trị giá 50 triệu USD, giảm 37% về lượng và tăng 50% về trị giá so với năm 2021. Xuất khẩu sang Nam Phi tăng 97,7% về lượng (đạt mức 87 nghìn tấn) và tăng 386% về trị giá (đạt 36,5 triệu USD).

Trong số những thị trường có lượng xuất khẩu tăng mạnh so với năm 2021 thì Trung Quốc là thị trường tăng mạnh nhất (3.205%) dù lượng xuất khẩu chỉ ở mức khiêm tốn, tiếp đó là Nam Phi tăng 97,7%, Hà Lan (19,5%), Malaysia (14,6%) và Đài Loan (11%).

"Chủng loại than xuất khẩu là than cục và than cám (loại 1, 2 và 3), đây là các chủng loại than trong nước không sử dụng và không phải là các chủng loại than nhập khẩu. Than xuất khẩu là than chất lượng cao và xuất khẩu được giá, dùng cho các nhà máy luyện cốc, sản xuất thép. Tuy lượng xuất khẩu giảm nhưng do giá xuất khẩu trung bình tăng mạnh 152% nên trị giá xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh so với năm 2021", Cục Xuất nhập khẩu thông tin. 

Ở chiều ngược lại, năm 2022, nhập khẩu than các loại vào nước ta đạt 31,9 triệu tấn trị giá 7,16 tỷ USD, giảm 12% về lượng song tăng mạnh 60% về trị giá so với năm 2021. Việt Nam nhập khẩu than chủ yếu từ Australia, Indonesia và Nga. Trong khi lượng than nhập từ Australia tăng thì lượng than nhập từ Indonesia và Nga lại giảm.

Cụ thể, Australia là thị trường cung cấp than lớn nhất cho nước ta với số lượng 17 triệu tấn (chiếm 54,8% tổng lượng nhập từ tất cả các nước) với trị giá 4,29 tỷ USD, tăng 9% về lượng và tăng mạnh 102% về trị giá so với năm 2021.

Nhập khẩu từ Nga đạt 2 triệu tấn với kim ngạch 590 triệu USD, giảm 38% về lượng (do ảnh hưởng của căng thẳng Nga - Ukraine), tuy nhiên vẫn tăng 12% về trị giá. Nhập khẩu than từ Trung Quốc tăng 28% về lượng và 63% về trị giá, từ Malaysia tăng 17% về lượng và 72% về trị giá.

Chủng loại than nhập khẩu chủ yếu là than antraxit và bán antraxit, bitum và abitum dùng cho sản xuất điện. Nhu cầu tiêu thụ than của nền kinh tế thế giới tăng dần, đặc biệt từ tháng 3/2022, căng thẳng Nga - Ukraine bùng phát dẫn đến nguồn cung than không đủ đáp ứng nhu cầu, giá than thế giới liên tục tăng.

Trong khi đó, nhu cầu than tiêu thụ trong nước vẫn đang ở mức rất cao, nhất là than cho sản xuất điện trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng. Mặc dù lượng than nhập khẩu từ đa số các thị trường giảm hoặc tăng nhẹ so với năm trước nhưng do giá than thế giới tăng cao (giá nhập khẩu trung bình năm 2022 tăng mạnh 82% so với năm 2021) nên trị giá nhập khẩu vẫn tăng mạnh.

Thy Lê 

Lượt xem: 4
Tin liên quan