Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân:Cân nhắc thêm các hình thức giảm trừ
Trong thời buổi vật giá leo thang, mức thu thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh hiện nay được cho là không còn phù hợp và cần được sửa đổi để hỗ trợ đời sống người dân.
Mòn mỏi đợi sửa Luật
Trong những ngày qua, câu chuyện sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Một trong những người mong đợi sửa đổi Luật Thuế TNCN, chị Thanh Hiền (Hà Nội), cho biết: “Hai vợ chồng tôi một tháng làm được 30 triệu đồng như gần như không để ra được đồng nào. Chi phí sinh sống ở Hà Nội đắt đỏ, giá cả thì cứ tăng vù vù, đến mớ rau ngoài chợ cũng nay một giá, mai một giá. Tiền ăn uống, sinh hoạt cùng với tiền học của đứa con đang học cấp 1 khiến vợ chồng tôi sống trong cảnh tháng nào biết tháng đó”.
Chính vì thế, khi biết tin Luật Thuế TNCN đang được xem xét sửa đổi, chị Hiền vô cùng mong đợi. “Cách tính thuế TNCN cao nhất lên tới 35% trong khi mức giảm trừ gia cảnh chỉ 4,4 triệu đồng là bất hợp lý. Chỉ mong luật sớm được sửa đổi để những người làm công ăn lương như chúng tôi đỡ lo phần nào”, chị nói.
Anh Nguyễn Việt (Hà Nội) khá bức xúc về việc chậm trễ trong sửa đổi Luật Thuế TNCN. “Thuế TNCN đáng ra phải nên được xem xét, sửa đổi từ mấy năm trước chứ không phải đợi đến năm 2025. Nếu mãi đến năm 2025 mới tính sửa luật thì khi nào luật mới được áp dụng? Thời gian sửa đổi càng kéo dài thì gánh nặng của người dân lại càng lớn, nhất là khi kinh tế khó khăn như hiện nay”, anh nói. Đồng thời, anh cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp trong thời điểm hiện nay.
Làm rõ hơn vấn đề này, bà Vũ Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam lấy ví dụ: “Trong trường hợp một người lao động có thu nhập trước thuế 25 triệu đồng/tháng; có một người phụ thuộc là con; mức chi tiêu trung bình 8 - 10 triệu đồng/tháng, bao gồm các chi phí sinh hoạt cơ bản, học phí, các chi phí khác như tiền học thêm, tiền khám chữa bệnh,... thì với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh tăng 22%, số thuế TNCN tiết kiệm được chỉ khoảng 400.000 đồng/tháng, chiếm tỷ trọng gần 5% so với tổng mức chi tiêu cho người phụ thuộc, chưa đủ để tạo nên thay đổi rõ nét trong quyết định chi tiêu”, bà Hà nhìn nhận.
Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
Theo quy định hiện tại, những người có mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người. Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%.
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay cao hơn 2,4 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người. Con số này cũng cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các quốc gia trên thế giới đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần.
Sửa Luật như thế nào cho đúng?
Bà Vũ Thu Hà nhận định, việc xem xét điều chỉnh và cập nhật mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là cần thiết để đảm bảo hài hòa với những biến động trong mức sống, điều kiện sống và tiêu dùng của người dân.
“Luật thuế TNCN được ban hành từ năm 2007 nhưng tính tới thời điểm hiện tại, mới chỉ trải qua hai lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2013 và 2020. Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 11 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng.
Như vậy, trong lần điều chỉnh gần nhất (năm 2020), mức giảm trừ gia cảnh tăng khoảng 22% so với mức điều chỉnh năm 2013. Tuy nhiên, nếu ước tính nghĩa vụ thuế TNCN của người nộp thuế, có thể thấy mức tăng giảm trừ gia cảnh này cũng không tạo ra ảnh hưởng đáng kể về mặt tiết kiệm thuế”, theo đại diện Deloitte.
Bà Hà cũng chỉ ra cơ chế và các hình thức giảm trừ thuế TNCN hiện hành của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đa dạng và chưa mang tính thực tiễn cao.
“Việc chỉ sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 20% để xem xét điều chỉnh chưa hoàn toàn phản ánh khách quan mức sống của người dân. Do CPI được tính dựa trên các nhóm mặt hàng và dịch vụ cố định (dịch vụ ăn uống, may mặc, y tế, v.v.), trong khi đó, luôn xuất hiện các mặt hàng mới, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ mới có lượt mua cao trên thị trường mà CPI chưa kịp cập nhật, dẫn tới chỉ số CPI được tính toán có thể không thể hiện được sức mua thực tế của đồng tiền”, bà Hà cho biết.
Liên quan đến việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sao cho phù hợp, Phó Tổng Giám đốc tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu và đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cập nhật trước khi Luật Thuế TNCN được sửa đổi. Việc rà soát và điều chỉnh này nên được tiến hành hàng năm hoặc chu kỳ 2 năm/lần để kịp thời phản ánh những biến động về môi trường kinh tế, xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế, thay vì chỉ điều chỉnh khi CPI biến động vượt 20%.
Song song với đó, Chính phủ có thể cân nhắc nâng ngưỡng thu nhập tối thiểu bình quân của người phụ thuộc để mở rộng đối tượng người nộp thuế có thể hưởng lợi ích từ chính sách này.
Bên cạnh đó, có thể cân nhắc thiết kế các hình thức giảm trừ đa dạng hơn thay vì chỉ áp dụng một mức giảm trừ tuyệt đối, cố định như hiện tại, ví dụ như cho phép giảm trừ một số chi phí sinh hoạt và tiêu dùng thường xuyên của người nộp thuế dựa trên cơ sở thực tế phát sinh; giảm trừ trực tiếp một khoản tiền nhất định vào số thuế phải nộp đối với người nộp thuế có số thuế phát sinh lớn, hoặc áp dụng những mức giảm trừ khác nhau cho các đối tượng người phụ thuộc khác nhau dựa vào độ tuổi, khả năng lao động, mức thu nhập,...
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, nhấn mạnh cần sửa đổi sớm và ngay quy định về thuế thu nhập cá nhân bằng cách ban hành các Nghị định.
Theo ông, việc giảm, miễn thuế cho người dân sẽ kịp thời hỗ trợ cho cuộc sống của họ trong giai đoạn kinh tế khó khăn và mức giảm 50% thuế TNCN là hợp lý. “Ngoài thuế TNCN, vẫn còn nhiều lĩnh vực khác có thể tăng thu ngân sách nhà nước mà chưa khai thác hết như thương mại điện tử, nhà đất,…”, ông cho hay.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng “cần nghiên cứu, xem xét sửa theo hướng chấp nhận các chi phí hợp lý liên quan tới thu nhập tính thuế như tiền thuê nhà, chi phí học tập, chi phí khám chữa bệnh… bởi những chi phí này rất lớn và thiết yếu trong gia đình”.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, chi phí vay mua căn nhà đầu tiên để ở của người dân cũng nên được giảm trừ. Chính sách này vừa góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dân, vừa tạo điều kiện cho nhiều người dân được mua nhà, thị trường nhà ở phát triển.