Ray Dalio: Trung Quốc đứng trước "thời khắc quyết định" cho nền kinh tế
Nhà đầu tư huyền thoại Ray Dalio cho rằng đợt kích thích mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ là một bước ngoặt lịch sử đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nếu các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh làm "nhiều hơn" so với những gì đã cam kết.
Huyền thoại đầu tư Ray Dalio |
Trong một bài đăng trên LinkedIn vào ngày 30/9, Dalio đã ví von tình hình hiện tại của Trung Quốc với thời điểm năm 2012, khi cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi cam kết "làm bất cứ điều gì cần thiết" để bảo vệ đồng Euro. Bài phát biểu của Draghi cuối cùng đã góp phần chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ châu Âu thời kỳ đó.
*Chỉ với 3 từ, ông Draghi đã giải cứu thành công đồng Euro (Kỳ 1)
Nhận xét của ông Dalio được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua đợt tăng mạnh nhất trong 16 năm qua.
Điều này diễn ra sau khi Bắc Kinh công bố một loạt chính sách hỗ trợ, bao gồm việc hạ lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và cho phép các công ty chứng khoán tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng trung ương để mua cổ phiếu. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng đã cam kết hỗ trợ chi tiêu tài khóa và ngăn chặn đà giảm của lĩnh vực bất động sản.
"Đó là một tuần lễ quan trọng", ông Dalio, nhà sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, viết. "Thực tế, tôi nghĩ rằng đó là một tuần quan trọng đến mức có thể đi vào sách sử kinh tế thị trường miễn là các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc làm những gì cần thiết, điều này sẽ đòi hỏi nhiều hơn những chính sách đã được công bố”.
Ngã ba đường của Trung Quốc
Theo Dalio, Trung Quốc đang đứng trước ngã ba đường trong việc đối phó với tình trạng đổ vỡ của bong bóng bất động sản và nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng.
Chủ quỹ phòng hộ Bridgewater Associates cho rằng quốc gia này có thể rơi vào tình trạng trì trệ kinh tế tương tự như Nhật Bản đã trải qua trong quá khứ, hoặc thành công trong việc cắt giảm nợ và tránh khủng hoảng.
Để đạt được điều mà ông gọi là "kịch bản giảm đòn bẩy đẹp đẽ" (beautiful deleveraging), Bắc Kinh cần tái cơ cấu nợ xấu, đồng thời tạo ra nhiều tiền hơn để giảm gánh nặng trả nợ mà không gây ra áp lực lạm phát quá lớn. Những động thái "thúc đẩy lạm phát" như vậy sẽ khuyến khích tân lý chấp nhận rủi ro bằng cách khiến tiền mặt trở nên kém hấp dẫn hơn so với các tài sản khác, ông nói.
"Thực hiện những điều này sẽ làm khơi dậy 'tâm lý bắt đáy’ và 'bản năng động vật' (animal spirit)”, ông viết. "Chúng ta rõ ràng đang thấy điều đó xảy ra ngay bây giờ."
Dalio cảnh báo quá trình này sẽ không dễ dàng. Việc giảm đòn bẩy có thể gây tổn thất tài sản và đòi hỏi những quyết định khó khăn về mặt chính trị, như việc ai sẽ gánh chịu chi phí của các khoản nợ xấu.
Thêm vào đó, Trung Quốc còn phải đối mặt với thách thức về nhân khẩu học. Sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động và xu hướng già hóa dân số đang làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế.
Mặc dù đánh giá cao những động thái gần đây của Trung Quốc, Dalio vẫn cho rằng cần theo dõi thêm nhiều yếu tố khác để đánh giá hiệu quả của các biện pháp đối phó với bộ ba thách thức nợ-tiền tệ-kinh tế trong nước.