Quý I đã khởi sắc, làm gì để cả năm bứt phá?

Các chuyên gia cho rằng, sự phục hồi tích cực trong quý I sẽ tạo đà tốt cho tăng trưởng các quý tiếp theo và cả năm 2022. Nhưng sự phục hồi không chỉ cần nhanh mà phải bền vững, vì vậy rất cần có nền tảng vĩ mô ổn định trong bối cảnh bên ngoài đang bất định hơn hiện nay.

Nhìn lại diễn biến kinh tế quý I với mức tăng 5,03%, “khởi sắc” chắc chắn là từ phải nhắc đến khi hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề đều cho thấy sự phục hồi. Thậm chí, nhiều lĩnh vực đã đạt được mức tăng trưởng nhanh nhất từ 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, qua đó tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế.

Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương mà WB vừa công bố ngày 5/4 nhận định, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực đã bắt đầu có được mức tăng trưởng sản lượng trở lại thời kỳ trước đại dịch. Đặc biệt, trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, nhưng kinh tế vĩ mô (KTVM) tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… cơ bản đều được bảo đảm. Dịch bệnh được kiểm soát, độ bao phủ vắc xin cao cùng với sự chuyển hướng chiến lược trong phòng, chống dịch từ cuối năm 2021 là những yếu tố đóng góp quan trọng cho những phục hồi vừa qua, cũng như tiếp tục tạo cơ sở cho đà phục hồi tiếp diễn.

quy i da khoi sac lam gi de ca nam but pha
Chi phí logistics tăng cao đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp xuất khẩu

Tuy nhiên khó khăn theo các chuyên gia, thách thức cho quý II và cả năm nay cũng không vì thế mà giảm bớt. Thậm chí những thách thức có tính chất phức tạp, đột xuất, bất ngờ phát sinh gần đây, đặc biệt là áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tác động và thể hiện rõ hơn trong những tháng tới. Trong khi đó, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro...

Trở lại báo cáo cập nhật kinh tế khu vực mới nhất của WB, trong khi có điều chỉnh chung với khu vực, WB cũng điều chỉnh giảm 1,2% dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay, xuống mức 5,3% với kịch bản cơ sở (từ mức 6,5% trong dự báo đưa ra vào tháng 10/2021). Theo Aaditya Mattoo - chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB, rủi ro dịch bệnh vẫn phức tạp, giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao (nhất là nhiên liệu) trong khi nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn có thể giảm sút là những yếu tố chính có thể ảnh hưởng kém khả quan hơn đến triển vọng kinh tế năm nay.

Trước những thách thức như vậy, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 ngày 4/4 vừa qua, các thành viên Chính phủ đã đưa ra rất nhiều các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thời gian tới để tiếp tục duy trì được đà phục hồi. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhất mạnh đến việc tập trung giữ vững ổn định KTVM. Bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ là yêu cầu được người đứng đầu Chính phủ đặt ra. Theo đó, NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cùng các cơ quan liên quan được yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để thực hiện mục tiêu này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, đặc biệt là quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài.

Các chuyên gia cho rằng, sự phục hồi tích cực trong quý I sẽ tạo đà tốt cho tăng trưởng các quý tiếp theo và cả năm 2022. Nhưng sự phục hồi không chỉ cần nhanh mà phải bền vững, vì vậy rất cần có nền tảng vĩ mô ổn định trong bối cảnh bên ngoài đang bất định hơn hiện nay.

Theo PGS.TS.Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác lúc này càng trở nên rất quan trọng để giữ vững ổn định KTVM, kiểm soát lạm phát. Cùng với đó, việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính; bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, chủ động để có giải pháp kịp thời điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu... là những vấn đề cần tập trung hiện nay.

Với Chương trình phục hồi, các chuyên gia coi đây là gói giải pháp rất quan trọng để trợ lực cho kinh tế nên cần sớm được triển khai. “Tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình chưa được như mong đợi, và nếu chậm có thể tác động đến hiệu quả thực hiện”, PGS.TS.Vũ Sỹ Cường cảnh báo và cho rằng phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà các bộ, ngành cần thực hiện thời gian tới.

Tín dụng tăng tốt cho thấy nền kinh tế phục hồi tích cực

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều ngày 4/4, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin, đến thời điểm hết 31/3/2022, tín dụng đã tăng khá tích cực, đạt 5,04%, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tích cực, chứng tỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ đang rất hiệu quả, giúp đời sống sinh hoạt, hoạt động SXKD của doanh nghiệp đang hồi phục trở lại tốt hơn.

Năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng có điều chỉnh tùy theo tình hình kinh tế và đảm bảo các mục tiêu vĩ mô. Vì thế, đối với từng quý và cuối năm, Phó Thống đốc cho biết NHNN sẽ tiếp tục theo dõi và điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, để đảm bảo ổn định KTVM và lạm phát.

Liên quan đến việc kéo dài thời hạn Nghị quyết số 42, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, từ năm 2017 đến nay, Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều tác động tích cực. Trong đó, số nợ xấu đã xử lý được nhờ Nghị quyết này khoảng 380.000 tỷ đồng. Đây là khối lượng vốn rất lớn được giải phóng và quay vòng, đầu tư lại ra nền kinh tế, giải quyết được nhiều lãng phí xã hội, tránh được những hao mòn, hư hỏng tự nhiên của các tài sản đặc biệt liên quan đến các tài sản thế chấp cho các khoản nợ và đã thành nợ xấu.

Tuy nhiên, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào tháng 8 tới đây. Về lâu dài, cần có luật về xử lý nợ xấu của nền kinh tế nói chung, không chỉ với hệ thống ngân hàng. Do đó, NHNN đã đề xuất, báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên để xây dựng, ban hành được luật cần thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động… Trong quá trình đó, nếu không kéo dài Nghị quyết 42 sẽ gây khó khăn cho một số khoản nợ đang thuộc đối tượng được xử lý theo Nghị quyết 42 do không có cơ sở pháp lý để triển khai. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động của một số doanh nghiệp, lĩnh vực trong 2 năm vừa qua nên sẽ làm nợ xấu mới xuất hiện. Do đó, việc kéo dài Nghị quyết 42 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho xử lý nợ xấu, tạo cơ sở tích cực, lợi ích chung cho hoạt động ngân hàng, doanh nghiệp và xã hội.

Đỗ Phạm

Lượt xem: 157
Tác giả: admin1
Nguồn:thoibaonganhang.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan