Quản lý chất lượng giống cây trồng: Nhìn từ câu chuyện trái sầu riêng

Nông sản, trong đó có cây ăn quả được đánh giá cao về tiềm năng xuất khẩu nhưng một điều mà nhiều HTX, nông dân đang băn khoăn đó chính là vấn đề giống. Khi giống cây trồng không đảm bảo, đồng nghĩa với việc xuất khẩu sẽ gặp lực cản nhất định, nhất là về lâu dài.

Trong bối cảnh xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, tưởng chừng nhiều nhà vườn trồng giống sầu riêng Musang King sẽ có tương lai màu hồng nhưng thực tế thì không được như vậy.

Không đảm bảo về chất và lượng

Nhiều nhà vườn trồng giống sầu này khi thu hoạch đã gặp tình trạng cơm sầu sượng, vỏ quả bị cháy. Và như vậy, loại sầu này không bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, thành hàng dạt. Vì thế mà mùa thu hoạch năm nay, không ít cửa hàng đã bán sầu Musang King nhưng với giá rẻ, vừa bán vừa khuyến mãi.

Điều này cho thấy, trong nông nghiệp nói chung, phát triển ngành hàng sầu riêng nói riêng, muốn thu được kết quả thì ngoài kinh nghiệm, kỹ thuật, giống là một yếu tố hết sức quan trọng.

Musang King là giống sầu riêng từ Malaysia nhưng hiện nay được đem về trồng ở Việt Nam theo kiểu ghép lên cây sầu riêng Ri6, Thái Monthong… Và ngay cây giống sầu Musang King bán trên thị trường hiện nay cũng chủ yếu là cây gốc ghép nên hiệu quả ra sao, có phù hợp để phát triển giống Musang King ở Việt Nam hay không hiện chưa rõ.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (Đồng Nai), cho biết việc thuần hóa một giống cây mới không hề dễ. Trong khi đây là cây sầu riêng, là trái cây vua, là loại khó trồng nhất trong thế giới trái cây. Hiện nay, ngành chức năng trong nước cũng khuyến cáo chưa nên trồng giống Musang King vì chưa có quy trình chuẩn về chăm sóc.

Không chỉ sầu riêng, Giám đốc một HTX lâm nghiệp ở Thái Nguyên cho rằng, dù gắn bó nhiều năm với lâm nghiệp nhưng HTX vẫn khó khăn trong việc mua giống. Nhiều khi thành viên đi mua giống ở những nơi được đánh giá là khá uy tín nhưng vẫn là giống kém chất lượng.

-3081-1688725244.jpg

Nông sản, trái cây muốn cạnh tranh tốt trên thị trường cần có nguồn giống chất lượng.

Theo các chuyên gia, do không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trong nước nên không chỉ sầu riêng mà nhiều loại cây trồng khác đều sử dụng giống ghép hoặc giống trôi nổi, kém chất lượng. Tuy nhiên Nhà nước lại chưa có quy định, tiêu chí cụ thể về giống gốc ghép nên người dân thường ghép theo kinh nghiệm, có thể gốc để ghép không bảo đảm tiêu chuẩn, không khỏe mạnh, khó tương thích với mắt ghép, cành ghép… Hoặc quá trình ghép không bảo đảm các bước nên có thể làm phát sinh các mầm bệnh, không bảo đảm chất lượng cây trồng.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết giống cây trồng, đặc biệt là giống cây ăn quả, rau màu của Việt Nam còn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất thực tiễn. Hằng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ các nước khoảng 80% nhu cầu hạt giống rau màu, cây ăn quả.

Việc nhập khẩu đi liền với tình trạng sử dụng giống gốc ghép không bảo đảm yêu cầu cho thấy vấn đề giống cây trồng hiện nay không bảo đảm cả về chất và lượng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi giống không đảm bảo cũng dẫn tới cây trồng không có khả chống chịu được sâu bệnh, biến đổi khí hậu. Chất lượng nông sản cũng bị ảnh hưởng, từ đó làm ảnh hưởng đến thương hiệu ngành hàng và khả năng cạnh tranh trên thương trường.

Một trong những điểm mạnh trong ngành hàng sầu riêng của Thái Lan, Malaysia là họ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về giống. Những nước này đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu ra những giống sầu riêng đặc trưng, giúp xây dựng thương hiệu và khẳng định giá trị trên thị trường.

Cần nguồn giống chất lượng

Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam có khả năng sẽ đạt mức 5 tỉ USD vào cuối năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc sản xuất theo quy trình thì việc chọn giống, sử dụng giống bảo đảm chất lượng mới có thể giúp người dân, HTX mở rộng diện tích, nâng cao năng suất một cách bền vững.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích sản xuất cây ăn quả cả nước hiện đạt khoảng 1,2 triệu ha, vừa phục vụ nhu cầu trong nước vừa mang lại giá trị về xuất khẩu.

Để tận dụng được lợi thế xuất khẩu, cần phải xây dựng quy trình về giống gốc ghép để người dân, HTX, cơ sở sản xuất giống có tiêu chuẩn cụ thể thực hiện, và bảo đảm chất lượng giống, phục vụ phát triển sản xuất.

Anh Lê Thanh Tâm, thành viên HTX Rau VietGAP Như Ý (Lâm Đồng), cho biết nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các khách sạn, nhà hàng với nông sản tươi hiện nay là đòi hỏi số lượng không nhiều nhưng phải đa dạng các loại rau, củ, quả và có hàng liên tục. “Nếu chỉ trồng giống rau phổ thông, truyền thống sẽ phụ thuộc sự lên - xuống của thị trường. Tuy nhiên, khi có đa dạng các giống rau mới, cao cấp đưa vào nhà hàng, khách sạn thì giá cả ổn định hơn”, anh Tâm chia sẻ.

Còn ông Phùng Thanh Tâm thì cho rằng, nếu không đầu tư, không quan tâm đến nghiên cứu, tạo ra các giống mới cho chính mình thì rất khó có thể theo kịp các nước xung quanh. Ngay như Thái Lan, họ xuất khẩu tốt là do phổ biến các giống chất lượng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng dự báo đến 2024, sầu riêng sẽ mang về cho Việt Nam 2 tỉ USD. Nếu Việt Nam tự nghiên cứu và có được những giống sầu có phẩm cấp tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên nội địa thì sẽ còn tăng được giá trị cho ngành hàng này. Ngược lại, nếu cả nước không có 1 thương hiệu sầu riêng thì sẽ khó mà có đầu ra ổn định và được các nước nhập khẩu đánh giá cao.

Ngay như giống sầu riêng Musang King được Malaysia nghiên cứu, tạo ra là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của đất nước này nên quy trình chăm sóc cũng khác khi mang về Việt Nam trồng. Nếu nhân giống đại trà Musang King thì rủi ro sẽ vẫn cao, vì cả một chu trình phát triển và kinh doanh sầu riêng hiện nay của Việt Nam đang được đánh giá là phù hợp với sầu Ri6 và Thái Monthong... chưa phù hợp với giống Musang King.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, thay vì nhân giống Musang King bừa bãi thì nên tập trung vào giống Ri6, Thái Monthong và nghiên cứu ra giống sầu riêng mang đặc trưng của Việt Nam để cạnh tranh. Bởi không chỉ sầu riêng mà các giống khác như xoài, thanh long, rau... của Việt Nam hiện chưa có giống cây nào chỉ cần nhắc đến là người nước ngoài nhớ đến đó là của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có quy định cụ thể về sản xuất, buôn bán giống cây trồng và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện như lĩnh vực kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Có như vậy mới hạn chế tình trạng buôn bán, kinh doanh giống cây trồng không đảm bảo chất lượng.

Huyền Trang

Lượt xem: 6
Tác giả: Không đảm bảo về chất và lượng
Tin liên quan