Phát triển trục "xương sống" của vận tải công cộng đô thị

Đường sắt đô thị được xác định là "xương sống" quan trọng về vận tải hành khách công cộng, giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn...

Quốc hội nghe báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh

Quốc hội nghe báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh

6 cơ chế đặc thù làm đưaờng sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

Mới đây (13/2), thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, việc xây dựng Nghị quyết nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho hai thành phố trong việc triển khai đầu tư, phát huy tính chủ động, tích cực của hai thành phố; hiện thực hóa các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Giám đốc Sở GTVT Hà Nội) thảo luận tại tổ

Để bảo đảm tiến độ, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết và trình Quốc hội theo trình tự thủ tục rút gọn để thông qua tại một kỳ họp.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh nêu rõ, dự thảo Nghị quyết gồm 11 Điều, quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua gồm: Huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, nhóm chính sách về huy động nguồn vốn tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định: Thủ tướng Chính phủ được quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm cho địa phương; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập Đề xuất dự án.

Giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông

Thảo luận tại tổ 1 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) trong nội dung chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội bày tỏ thống nhất với sự cần thiết phải khẩn trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu, Nghị quyết sẽ giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc về thể chế đã được nhận diện trong thực tiễn tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khi tổ chức thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 15/2022 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết số 31/2022 của Bộ Chính trị về phát triển TP Hồ chí Minh và Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Theo đại biểu, đường sắt đô thị được xác định là "xương sống" quan trọng về vận tải hành khách công cộng, giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được đưa vào khai thác, sử dụng tại Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội)

Đồng tình, đánh giá cao nội dung Tờ trình của Chính phủ và cơ bản nhất trí với 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt thí điểm trong dự thảo Nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại kỳ họp này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường cho hay, các cơ chế chính sách đã được nghiên cứu thận trọng trên cơ sở kế thừa các cơ chế chính sách đã, đang được triển khai thực hiện có hiệu quả trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua, kết hợp tham khảo kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước, cũng như dự báo đánh giá các tác động ảnh hưởng trong quá trình thực hiện áp dụng.

Để việc tổ chức triển khai Nghị quyết có hiệu quả, đi vào cuộc sống gắn với những vấn đề chung có tính tương đồng cũng như điều kiện, đặc thù riêng của từng địa phương nhằm cụ thể hóa các chính sách, cơ chế một cách hiệu quả, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề xuất xem xét cập nhật bổ sung chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, phát huy tính chủ động sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện.

Đồng thời, việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần được đặt trong mối quan hệ kết nối liên kết vùng, liên vùng (vấn đề này cũng đã được Bộ chính trị nêu trong định hướng phát triển), theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị thì đều có các tuyến kết nối với các tỉnh lân cận. Theo đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề xuất cập nhật bổ sung nội dung cơ chế chính sách đối với các dự án tuyến đường sắt đô thị kết nối đi qua từ 2 tỉnh trở lên.

Cụ thể: ‘‘Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho TP có tuyến đi qua làm cơ quan chủ quản tổ chức triển khai thực hiện. Cơ quan chủ quản (TP Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh) triển khai công tác đầu tư xây dựng hạ tầng trên toàn tuyến, việc giải phóng mặt bằng được tách thành các dự án thành phần do các địa phương thực hiện. Các dự án thành phần do các địa phương kết nối với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được phép áp dụng toàn bộ các cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết này’’.

Cùng với đó, trong dự thảo Nghị quyết cũng đã đề cập đến chính sách ‘‘UBND TP được quyết định việc áp dụng các hình thức chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, phi tư vấn, thi công; tổng thầu EPC, chìa khóa trao tay; nhà đầu tư các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD. Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu’’

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho hay, trong Luật Thủ đô 2024 có chính sách tại Điều 42 (về thu hút nhà đầu tư chiến lược), trong đó đã đề cập đến lĩnh vực đường sắt đô thị. Theo đó, đại biểu đề xuất xem xét cập nhật nội dung chính sách liên quan đến thu hút nhà đầu tư chiến lược tương tự như TP Hà Nội trong chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh thực hiện.

"Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được xem xét thông qua lần này sẽ đáp ứng được kỳ vọng huy động tối đa nguồn lực đầu tư, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng", đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 3
Tác giả: Lam Dương