Nuôi cá lồng kết hợp làm du lịch, nông dân thu tiền triệu

Nhận thấy địa phương có thế mạnh về nguồn lợi nuôi trồng thuỷ sản, nhiều hộ dân, HTX tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng kết hợp phát triển du lịch, mang lại nguồn thu lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tại địa phương.

Nhà máy Thủy điện Sông Chừng từ khi được đầu tư xây dựng tại Quang Bình đã tạo ra vùng lòng hồ rộng hơn 225 ha, trải dài 15 km trên địa phận các xã Tân Nam, Tiên Nguyên và thị trấn Yên Bình, mở ra cơ hội tuyệt vời để huyện phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản.

Từ nuôi cá lồng…

Với những lợi thế sẵn có, UBND huyện Quang Bình đã có chủ trương “đánh thức” tiềm năng nuôi trồng thủy sản với chính sách cụ thể. Đón đầu chính sách, từ năm 2018, HTX Nuôi trồng thủy sản Sông Chừng đã thử nghiệm nuôi 52 lồng cá các loại, với giống chủ lực là cá lăng.

Qua theo dõi cho thấy, các giống cá đặc sản như cá lăng, cá rô phi đơn tính, cá bỗng, cá chiên… hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như nguồn nước, nên HTX tiếp tục mở rộng quy mô để cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn cá thương phẩm mỗi năm.

-1754-1681445506.jpg

Mô hình nuôi cá lồng kết hợp làm du lịch sinh thái đang mang lại giá trị cao (Ảnh: Đức Ninh).

Anh Đinh Văn Sơn, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản sông Chừng, cho biết HTX hiện có 84 lồng cá, sản lượng trên dưới 200 tấn/năm, với giá bán từ 50 - 70.000 đồng/kg. Nhờ nghề nuôi cá, 8 thành viên có việc làm ổn định với mức lương 8 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh nuôi cá, HTX kết hợp chăn nuôi hươu, lợn đen, gà đồi, vịt thương phẩm… Trừ các chi phí cũng đem lại cho HTX mỗi năm 600 triệu đồng. Ngoài ra, tạo thêm công ăn việc làm cho 20 lao động, khoảng 10 lao động thời vụ với mức thu nhập mỗi tháng từ 5 - 7 triệu đồng/người.

Để có được thành công trên, theo anh Đinh Văn Sơn, là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của thành viên HTX trong việc chăn nuôi chuẩn sạch và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Không chỉ mang lại lợi ích cho các thành viên, HTX còn liên kết chặt chẽ, giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất bền vững và tăng thu nhập. Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty trong và ngoài tỉnh.

Những thành công của HTX Nuôi trồng thủy sản sông Chừng, cùng sự hình thành của nhiều mô hình sản xuất điểm cho giá trị cao, cho thấy Đề án phát triển nghề nuôi cá lồng và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản lòng hồ Thủy điện sông Chừng của huyện Quang Bình đang đi đúng hướng.

Theo thống kê, huyện Quang Bình có diện tích nuôi trồng thủy sản là 702 ha. Năm 2022, tổng sản lượng ước đạt 427 tấn, giá trị thu nhập ước đạt 21 tỷ đồng, tạo thu nhập cho hàng trăm hộ dân.

Đến phát triển du lịch

Phát huy lợi thế mặt nước, cùng với Đề án phát triển nghề nuôi cá lồng và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản lòng hồ Thủy điện sông Chừng, huyện đã thực hiện Đề án phát triển thủy sản tại 12 xã, thị trấn với 293 hộ tham gia, hỗ trợ trên 183 nghìn con giống cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính, nhằm khuyến khích các hộ chăn nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa.

Giai đoạn 2020 - 2025, trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng, thị trấn Yên Bình và xã Tân Nam đã thực hiện được 105 lồng nuôi cá, chủ yếu là cá Lăng, cá Rô phi đơn tính. Mỗi lồng nuôi cá cho trung bình 1,5 tấn/lứa, tương đương sản lượng 300 tấn/năm, đem về giá trị kinh tế 15 tỷ đồng.

Bên cạnh sản lượng nuôi cá lồng, sản lượng khai thác cá tự nhiên trên lòng hồ cũng đạt 14 - 20 tấn/năm. Nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương.

Đáng chú ý, bên cạnh mô hình nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản, các HTX, hộ dân ở Quang Bình còn tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên để kết hợp hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm tham quan.

Qua các đợt khảo sát, đánh giá, xúc tiến, quảng bá du lịch lòng hồ, các hoạt động du lịch đã và đang dần hình thành như: du thuyền thưởng ngoạn ngắm cảnh lòng hồ, tham gia đánh bắt cá cùng người dân, thắp hương đình Bản Chún, tổ chức Lễ hội đua thuyền thường niên.

Đến với Quang Bình hiện tại, du khách có thể trải nghiệm đánh bắt cá, tham quan, khám phá du lịch, thưởng thức ẩm thực ngay tại các nhà hàng nổi trên sông Chừng.

Có thể thấy, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch trên địa bàn huyện Quang Bình đã và đang cho hiệu quả tích cực, góp phần mang lại giá trị hàng chục tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn là mô hình cần thêm những điểm tựa để thực sự phát huy hết hiệu quả.

Vì vậy, trong thời gian tới, đại diện UBND huyện cho biết, địa phương sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, mời gọi các tổ chức, cá nhân, HTX, doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch vùng lòng hồ Thủy điện sông Chừng.

Qua đó, tạo sự liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản và phát triển du lịch theo hướng trải nghiệm, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại giá trị bền vững cả về kinh tế, môi trường sinh thái tại địa phương.

Mộc Lan

Lượt xem: 3
Tác giả: Mộc Lan
Tin liên quan