Nông nghiệp xanh dưới chân Núi Thành

Núi Thành ngày ấy toàn đá và sỏi, những giống cây trồng bén rễ xuống đều cho năng suất thấp và bán với giá rẻ mạt. Đứng giữa rừng đá hộc trắng xóa trải dài cả cây số, biệt lập và hoang sơ, Nguyễn Mạnh Tiến mơ về một trang trại nông nghiệp thuần khiết.       

Tiến sinh năm 1990, tốt nghiệp Khoa Kinh tế đầu tư, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bước ra đời với công việc điển hình của một “cổ cồn trắng” - kỹ thuật viên một công ty phân bón. Nhưng rồi một ngày, anh quyết định từ bỏ và tạo ra một “cuộc cách mạnh Israel” ở xứ Thanh.

Muốn giỏi thì phải học

Từ một khu “đồng không mông quạnh” tại xóm Toản, còn gọi là Núi Thành (phường An Hưng, TP.Thanh Hóa), sau 2 năm, tất cả được phủ xanh bằng mô hình nông nghiệp hữu cơ. Những gì Nguyễn Mạnh Tiến và các cộng sự làm được xứng đáng được gọi là một cuộc “cách mạng”.

Cuộc cách mạng ấy bắt đầu cách đây 2 năm, giữa lúc đại dịch Covid-19 còn bao trùm nỗi hoảng sợ lên toàn thế giới, anh Tiến xin nghỉ việc ở TP.HCM, trở về quê bắt tay cùng 7 thành viên tâm huyết thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Việt Tân Tiến nhằm lan tỏa giá trị tốt đẹp từ nông nghiệp sạch.

-7227-1671161435.jpg

Giám đốc HTX Nguyễn Mạnh Tiến trên trang trại nông nghiệp hữu cơ.

Tiến cho biết ý tưởng làm nông nghiệp sạch nảy sinh từ quãng thời gian làm kỹ sư tại công ty phân bón. Những chuyến đi công tác tới các vùng, miền trên cả nước, giúp anh nhận thấy tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc hóa học gây hại môi trường, sự an toàn của người trồng lẫn người sử dụng.

Vì không được học chuyên sâu về nông nghiệp, nên khi bày tỏ ý định làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, Tiến vấp phải ý kiến trái chiều từ nhiều người. Tuy nhiên, với quyết tâm đem đến những sản phẩm chất lượng nhất cho cộng đồng, anh vẫn chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn.

Bắt tay khởi nghiệp, Tiến dành thời gian nghiên cứu, tham gia nhiều chương trình, dự án về nông nghiệp sạch. Đặc biệt, anh dành thời gian tham gia các “Phiên chợ nhỏ an lành” để học hỏi kinh nghiệm, gặp gỡ, giao lưu với các bạn trẻ cùng chí hướng, khát vọng thành công với sản xuất bền vững.

Nắm vững lý thuyết, anh Tiến bắt đầu trồng thực nghiệm, khởi đầu với hơn 2.000 cây cà chua Savior trên diện tích 1.000m2 đất. Anh không trồng cà chua trong nhà màng mà trồng ở ngoài trời để xem cây có sức kháng bệnh tốt hơn không.

Điều đặc biệt trong mô hình của Tiến là hoàn toàn không dùng hóa chất, thay vào đó là các hệ vi sinh để xử lý môi trường, vừa bảo vệ cây, vừa có chủng vi sinh tạo ra kháng thể chống bệnh. Kết quả sau 4 tháng, anh thu về 3 tấn cà chua chất lượng cao.

Muốn đi xa… hãy tìm bạn

Những thành công đầu tiên khi khởi nghiệp là sự kết hợp giữa ý chí, niềm đam mê làm nông nghiệp hữu cơ của Nguyễn Mạnh Tiến. Một khác biệt trong tư duy của chàng trai 9X là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức. Vì nền tảng tài chính thiếu thốn, anh không cho phép mình mắc sai lầm.

Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chiến lược rõ ràng giúp Tiến thành công ngay từ vụ thử nghiệm đầu tiên và tiếp tục gặt hái được những kết quả ấn tượng ở những vụ mùa tiếp theo. Sau hơn 2 năm nỗ lực, anh đang tạo nên một thương hiệu cá nhân đầy thú vị, có sức lan tỏa mạnh mẽ.

-2603-1671373752.jpg

HTX Việt Tân Tiến đang liên kết với các doanh nghiệp để hướng tới chế biến sâu cho sản phẩm.

Không gặp quá nhiều về sản xuất nhưng tìm kiếm thị trường lại là một thách thức không nhỏ với người sáng lập HTX Việt Tân Tiến. Để có đầu ra cho sản phẩm, anh cùng các thành viên phải tận dụng các kênh online, mạng xã hội để truyền bá tư tưởng làm nông nghiệp sạch.

Ở các kênh đó, Tiến chủ trương xây dựng các tầng thông tin chi tiết nhằm giới thiệu cho mọi người biết về quy trình trồng, chăm sóc cây trồng từ lúc triển khai cho đến khi đưa ra thị trường.

“Khi mọi người được theo dõi, giám sát các thông tin của sản phẩm thì sẽ yên tâm về chất lượng và dễ dàng đón nhận. Kết quả, HTX nhận được rất nhiều đơn đặt hàng và đến nay cung chưa đủ cầu”, Giám đốc HTX Nguyễn Mạnh Tiến hào hứng khoe.

Không chỉ là các đối tượng khách hàng nhỏ lẻ, Giám đốc HTX Việt Tân Tiến còn chủ động kết nối với các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp chế biến nông sản để bán sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất thay vì chỉ bán hàng thô.

Chuỗi hợp tác nổi bật nhất hiện tại của HTX Việt Tân Tiến là với Công ty TNHH Spicy Country. Đáng chú ý, Spicy Country được sáng lập bởi anh Lê Minh Cương, một 9X từng du học tại Singapore, có cùng chí hướng kinh doanh và chế biến nông sản sạch, làm nông nghiệp bền vững như Nguyễn Mạnh Tiến.

Hai người trẻ tài năng, cùng chí hướng đã bắt tay nhau để tạo ra thương hiệu tương ớt mang tên Phúc Lộc Thọ và thương hiệu tương cà mang tên Spico. Cơ duyên gặp gỡ của họ là tại “Phiên chợ nhỏ an lành”, một phiên chợ đang được rất nhiều startup về nông nghiệp biết đến.

Tiến và Cương vẫn đùa rằng đây là cái bắt tay của người nông dân thế hệ mới và người sản xuất bền vững. Tiến chuyên tâm nghiên cứu nâng cao chất lượng và sản lượng cà chua, còn Cương sẽ chuyên tâm cải tiến sản xuất và cho ra sản phẩm mang hương vị đặc biệt.

Không chỉ dừng lại ở thành công hiện tại, sau khi trồng cà chua thí nghiệm hữu cơ ở HTX Nông nghiệp hữu cơ Việt Tân Tiến thành công, Tiến cùng người cộng sự 9X của mình dự định sẽ nhân rộng mô hình ở nhiều vùng khác trong tỉnh, hướng tới cả khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Hưng Nguyên

Trải nghiệm cảm xúc thật với nông nghiệp hữu cơ

Mới đi vào hoạt động nên HTX Việt Tân Tiến còn trong giai đoạn lấy ngắn nuôi dài. Thời gian qua, HTX đã cho ra mắt một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ cây ngắn ngày như cà chua, dưa chuột, dưa kim hoàng hậu, chuối,… Mỗi năm có thể trồng được 2-3 vụ, mỗi vụ cà chua cho năng suất từ 2-3 tấn/1.000m2, 4-5 tấn dưa chuột/1.000m2,... ước tính lợi nhuận khoảng gần 300 triệu đồng/vụ.

HTX đang được xây dựng theo mô hình “Nông nghiệp - Giáo dục - Trải nghiệm”, được anh Tiến và các thành viên HTX quy hoạch theo nhiều khu vực một cách khoa học, gồm khu cây trồng, khu chăn nuôi, khu rau củ, thực nghiệm…

“Đến HTX Việt Tân Tiến không chỉ được trải nghiệm làm nông, mà còn là khoảng thời gian để biết được cảm xúc thật của mình với nông nghiệp. Nghề nông nhiều vất vả, khi đam mê thật sự thì mới làm việc máu lửa, tràn năng lượng mỗi sáng sớm ra đồng, mới theo đuổi lâu dài được”, Giám đốc HTX Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ.

Phiên chợ nhỏ an lành

“Chợ nhỏ an lành” là phiên chợ được lấy cảm hứng và tham khảo từ những mô hình chợ phiên. Được tổ chức không cố định mà di chuyển khắp cả nước. Phiên chợ gần nhất được tổ chức tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Nếu trong lần đầu tiên tổ chức chỉ có 12 gian hàng, thì nay chợ đã lên tới hơn 50 gian.  

Về hình thức tổ chức, phiên chợ chỉ đơn giản “tập hợp” người bán và người mua. Tuy nhiên, những người đến chợ không chỉ có tâm thức của một vị khách mua hàng mà còn như được tìm lại nét đẹp văn hóa xưa – họp chợ phiên.

Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa khi được tổ chức trong lòng thành phố - nơi guồng quay hối hả, xoay vần nhiều khi dễ dàng cuốn trôi, xóa nhòa đi nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Hơn hết, từ mô hình này góp phần tạo được sân chơi cho những bạn trẻ theo đuổi con đường sản xuất nông nghiệp bền vững. Hình thành một “kênh” tiếp thị, quảng bá sản phẩm sinh động, hấp dẫn, hiệu quả, “người thực - việc thực - hàng thực”, tạo được sự kết nối, tin tưởng, thấu hiểu của khách hàng đối với sản phẩm.

Nếu các phiên chợ thông thường chú trọng yếu tố thương mại, đặt nặng vấn đề mưu sinh, lời lãi thì “Chợ nhỏ an lành” giống như một buổi “triển lãm” về những sản phẩm tâm huyết.

Vẫn tấp nập diễn ra hoạt động mua - bán nhưng ẩn sâu trong từng sản phẩm là câu chuyện về niềm đam mê, nỗ lực theo đuổi sản xuất theo hướng bền vững, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp để được khẳng định mình và cống hiến cho xã hội.

Vì lẽ đó, chỉ khi người trực tiếp sản xuất làm chủ, đại diện thì mới được tham gia gian hàng ở “Chợ nhỏ an lành”. Đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng, độc đáo nhất của phiên chợ này.

Lượt xem: 13
Tác giả: Muốn đi xa… hãy tìm bạn
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật