Nhiều địa phương gặp khó trong hấp thụ vốn đầu tư công

Ngoài khó khăn do vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu, còn có những vướng mắc, bất cập kéo dài do giải phóng mặt bằng. Đây được xem là vướng mắc lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều tỉnh thành.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân vốn đầu tư công cả nước đến ngày 31/8 là hơn 299.447 tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch vốn và đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trong nước giải ngân là hơn 292.186 tỷ đồng, đạt 40,1% kế hoạch vốn và đạt 43% kế hoạch Thủ tướng giao.

So với cùng kỳ năm 2022 (đạt 39,15%) tỷ lệ giải ngân tăng khá nhiều. Nguyên do có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40%. Đặc biệt một đơn vị và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,3%), Ngân hàng Nhà nước (62,75%), Ngân hàng Phát triển (100%), Tiền Giang (62,12%), Long An (66,18%), Đồng Tháp (66,94%)…

-6876-1693884524.jpg

Công tác giải phóng mặt bằng là vướng mắc lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều tỉnh thành.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính vẫn còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương chỉ giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn như: Trong số đó, có 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch.

Trên cơ sở tổng hợp các vướng mắc theo báo cáo 8 tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn tồn tại một số nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm như: một số dự án đang hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư để phân bổ vốn. Vì vậy, chưa thể giải ngân kế hoạch năm 2023.

Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không phân bổ vốn năm 2023. Một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân cho dự án.

Cùng với đó là các vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu nên các chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

Một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng đang gặp khó khăn trong việc gia hạn hiệp định hay thực hiện các thủ tục điều chỉnh, đấu thầu, nghiệm thu đều phải có thư không phản đối của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian.

Tại TP. HCM đến cuối tháng 8 chỉ giải ngân được 19.000 tỷ vốn đầu tư công, đạt 28% so với kế hoạch vốn được giao là 68.490 tỷ đồng. Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP nhận định về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, nguyên do vướng mắc nhiều nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Năm nay thành phố có 153 dự án ghi vốn bồi thường giải phóng mặt bằng với số vốn hơn 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương mới giải ngân hơn 6.300 tỷ đồng (đạt trên 35%). Trong đó có 25 dự án có số vốn bồi thường giải ngân rất thấp.

Tương tự tại Thanh Hoá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn bình quân cả nước (đạt 46%). Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 10% như Sầm Sơn, Nghi Sơn, Ngọc Lặc, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thường Xuân… Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại các đơn vị thấp chủ yếu là do nguồn nguyên vật liệu xây dựng có giá cao, khan hiếm.

Thanh Hoa

Lượt xem: 5
Tác giả: Thanh Hoa
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật