Nhà kinh tế Joseph Stiglitz: Căng thẳng Mỹ-Trung làm đảo lộn dòng chảy thương mại toàn cầu
Giáo sư Joseph Stiglitz, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2001, vừa đưa ra những nhận định đáng chú ý về tác động của căng thẳng Mỹ-Trung đối với dòng chảy thương mại toàn cầu.
Giáo sư Joseph Stiglitz, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2001 |
Tại sự kiện Bloomberg New Economy ở New York diễn ra vào ngày 25/09, ông Stiglitz cho biết khi Mỹ giảm thương mại với Trung Quốc, các mối quan hệ thương mại mới đang xuất hiện từ châu Á đến Mỹ Latinh.
"Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển dịch lớn trong sản xuất," Stiglitz nhấn mạnh. "Các hoạt động sản xuất vốn tập trung ở Trung Quốc đang dần dịch chuyển ra ngoài”.
Ông chỉ ra rằng giai đoạn đầu của quá trình này đang diễn ra dưới hình thức "lách luật ồ ạt", với hàng hóa được chuyển từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam hay Mexico trước khi xuất khẩu.
Stiglitz cho rằng việc nhìn nhận mối đe dọa từ Trung Quốc đang thúc đẩy Mỹ tiến hành các động thái để "giảm rủi ro". Điều đó đang mang lại những thay đổi cho hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã tồn tại chủ yếu kể từ sau Thế chiến II.
"Trong bối cảnh mới này, việc đứng đúng phe sẽ rất quan trọng”, Stiglitz nhận định. "Đây có thể là một cơ hội lớn cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển”.
Giáo sư Stiglitz đặc biệt nhấn mạnh cơ hội cho các nước sản xuất nguyên liệu thô, như nhiều quốc gia Mỹ Latinh vốn xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc. Ông cho rằng các nước này có thể hưởng lợi bằng cách "đi lên chuỗi giá trị" và tăng cường sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng nếu mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục xấu đi, và Mỹ siết chặt hơn nữa thương mại với Trung Quốc, các thị trường mới nổi có thể phải đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng. "Đó sẽ là một kịch bản đen tối và cực kỳ khó khăn", ông nói.