Ngành Tài chính tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn chung của Đất nước
Sáng ngày 03/02/2023, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 01/2023 và triển khai kế hoạch chương trình công tác tháng 02/2023. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị.
Thu ngân sách nhà nước đạt khá
Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Bộ Tài chính còn có Thứ trưởng Cao Anh Tuấn và đại diện lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc Bộ. Tại điểm cầu các Tổng cục, có đại diện lãnh đạo các Tổng cục và các vụ, cục chức năng thuộc Tổng cục.
Tại điểm cầu Kho bạc Nhà nước, ông Trần Quân – Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, Kho bạc Nhà nước đã đảm bảo công tác khóa sổ, quyết toán cuối năm, cũng như đảm bảo công tác chi trong năm 2022 cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước. Trong dịp Tết, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã đảm bảo an toàn tuyệt đối về kho quỹ, tài sản.
Về công tác huy động vốn, Tổng Giám đốc Trần Quân thông tin, tính đến hết ngày 31/01/2023, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành là 32.832 tỷ đồng, bằng 30,4% kế hoạch quý I/2023 (108.000 tỷ đồng) và 8,21% kế hoạch năm 2023 (400.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành bình quân là 12,51 năm; kỳ hạn còn lại danh mục là 9,18 năm; lãi suất phát hành bình quân là 4,54%/năm. Thời gian tới, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát tình hình thị trường, tham mưu Bộ Tài chính để huy động nguồn vốn đảm bảo đúng kế hoạch.
Liên quan đến chuyển đổi số và hiện đại hóa quy trình hoạt động của Kho bạc Nhà nước, Tổng Giám đốc Trần Quân nhấn mạnh, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã triển khai diện rộng hai chương trình: Thanh toán điện tử liên ngân hàng theo mô hình tập trung và Quản lý kiểm soát chi đầu tư qua hệ thống kho bạc. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng cung cấp dịch vụ của hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Tại điểm cầu Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng vừa qua, Ngành đã tổ chức ứng trực và đảm bảo quân số hoạt động 24/24h trong 7 ngày nghỉ lễ, Tết.
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, cảng hàng không, vùng biển và địa bàn nội địa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thông tin, trong tháng 01/2023, toàn Ngành đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 546 vụ việc vi phạm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 196 tỷ đồng, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 14,5 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ quan hải quan đã khởi tố 2 vụ việc và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 3 vụ việc, điển hình là một số vụ việc ma túy như tại TP. Hồ Chí Minh.
Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho hay, vừa qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ về việc tiếp tục giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa... Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, ngành Hải quan sẽ căn cứ vào các chỉ tiêu này để đánh giá, xếp loại cuối năm.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phi Vân Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tháng 1 là tháng diễn ra Tết Nguyên đán, nên ngay từ cuối tháng 12 của năm 2022, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo các địa phương quyết liệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và các nhóm giải pháp trên cơ sở đặc thù của từng Cục thuế nhằm đáp ứng tiến độ, chất lượng công việc, đồng thời đảm bảo công tác thu ngân sách nhà nước, nhất là các đơn vị có khoản thu đến hạn ngày 31/1. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng cục, kết quả thu ngân sách nhà nước trong tháng đầu năm 2023 đạt khá.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn, ngành Thuế đã nhận định khó khăn ngay từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 trên cơ sở đánh giá tình hình các ngành, lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản và một số ngành hàng xuất khẩu… Từ đó, đưa ra phân tích, đánh giá từng ngành có khả năng sẽ giảm thu để kiểm tra tìm kiếm nguồn thu bù đắp, bảo đảm hoàn thành kết quả thu cả năm. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã cùng với các đơn vị của Bộ tham mưu trình Chính phủ gói chính sách hỗ trợ gia hạn thuế, tiền thuê đất và miễn tiền chậm nộp đối với tiền thuê đất và mặt nước...
Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn cũng cho biết, Tổng cục Thuế đang tập trung chỉ đạo khẩn trương tham mưu kịp thời và đã trình Bộ thành lập Trung tâm dữ liệu của Tổng cục Thuế về xây dựng phân tích cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, góp phần đảm bảo hạn chế rủi ro. Đồng thời, quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền - một trong những kênh hỗ trợ quản lý chống thất thu thuế trên mọi lĩnh vực.
Cùng với đó, ngành Thuế cũng sẽ đẩy mạnh triển khai đề án xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối với các bộ, ngành liên quan nhằm có cơ sở dữ liệu chống thất thu trong các hoạt động, đặc biệt là giao dịch bất động sản; Tăng cường kỷ cương kỷ luật trong toàn Ngành, hạn chế tối đa rủi ro trong quản lý thu...
Tại Hội nghị giao ban, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã báo cáo tình hình thực hiện công tác trong tháng 01 và kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ tháng 02, hướng tới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong các tháng tiếp theo của năm 2023.
Phát huy vai trò chủ lực trong giai đoạn đất nước khó khăn hiện nay
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 01/2023 của các đơn vị, đồng thời nhấn mạnh, năm 2023, Đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do vậy: “Toàn Ngành cần đoàn kết, nỗ lực để vượt qua, phát huy vai trò của Bộ Tài chính, phải là Bộ chủ lực trong giai đoạn đất nước khó khăn như hiện nay.”
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị Thủ trưởng các đơn vị tăng cường quản lý bộ máy, nâng cao tinh thần trách nhiệm và liêm chính của cán bộ, công chức, người lao động; Tuyên truyền các giải pháp, chính sách tài khóa, trong đó tập trung vào những việc làm được của Bộ Tài chính.
"Các đơn vị cần xử lý sớm các sai phạm, ngăn chặn sai phạm từ xa, tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở cán bộ, công chức. Cán bộ không làm được cần phải thay thế để người có đủ năng lực, phẩm chất làm. Cùng với đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao từ đầu năm, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Có như vậy thì tài chính sẽ vững mạnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Kho bạc Nhà nước tiếp tục thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ đảm bảo theo đúng tiến độ để chủ động trả nợ; Kiểm soát chi tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương xa trung tâm, chấn chỉnh ngay các cơ quan gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Đối với Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng yêu cầu ngành Hải quan nêu cao vai trò quản lý đối với công tác chống buôn lậu gian lận thương mại; Xây dựng kế hoạch cụ thể kiểm tra, kiểm soát, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kịp thời đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan...
Về công tác của ngành Thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc biểu dương Tổng cục Thuế thời gian qua đã có nhiều sáng tạo, đột phá triển khai quyết liệt, góp phần quan trọng vào kết quả thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt là việc triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, vận hành Cổng thông tin điện tử, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đã góp phần tăng thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chống chuyển giá... Qua đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ đạo ngành Thuế trong thời gian tới tiếp tục tăng cường thu thuế thương mại điện tử, kiểm soát hóa đơn điện tử, sàn thương mại điện tử, kinh doanh nền tảng số, khởi tạo máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế thu từ khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại... đồng thời, sớm xây dựng công cụ kiểm soát hóa đơn điện tử bằng Trí tuệ nhân tạo.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần đưa ra danh sách những doanh nghiệp nợ nhiều để bám sát, theo dõi tránh thị trường lộn xộn, khó khăn...