Ngăn 'bom' trái phiếu và bất động sản sẽ tác động ra sao đến tín dụng?

Các ngân hàng đang có những động thái nhằm "siết" giải ngân cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... Liệu điều này sẽ tác động ra sao đến tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Công văn số 1976/ NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng. NHNN nhấn mạnh, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao bao gồm bất động sản, chứng khoán, dự án BOT và BT và trái phiếu doanh nghiệp.

Tín dụng đổ mạnh vào trái phiếu và bất động sản

Về thị trường trái phiếu, thống kê của VnBusiness từ báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết cho thấy, lượng trái phiếu doanh nghiệp các ngân hàng nắm giữ trong thời gian qua liên tục tăng. Chẳng hạn, TPBank tăng 65% lên mức 18.577 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021. Con số này ở Techcombank tăng 34,4% từ mức 46.728 tỷ đồng cuối năm 2020 lên mức 62.809 tỷ đồng cuối năm 2021…

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2022-04-1210-1980-

Các ngân hàng thắt chặt tín dụng đổ vào trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản

Còn trong báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2021, phạm vi 15 ngân hàng thương mại được SSI Research theo dõi, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng thương mại đầu tư tính đến hết năm 2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm trước đó.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự tăng trưởng mạnh của dòng vốn vào thị trường trái phiếu trong khi chưa có những quy định chặt chẽ về tỷ lệ an toàn khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ mang lại rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Gần đây nhất vụ việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà Nước huỷ 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng khó lấy được tiền. Đáng nói, có một số ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp này. Trong trường hợp nếu Tân Hoàng Minh không đủ tiền để trả vốn gốc và lãi trái phiếu, thì đồng nghĩa tổ chức tín dụng mua trái phiếu "dính" nợ xấu và không biết khi nào mới thu hồi vốn được.

Đối với thị trường bất động sản, từ năm ngoái đến nay, sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, khiến người dân ồ ạt đổ vốn vào lĩnh vực này.

Tín dụng tính đến cuối tháng 3/2022 đã tăng mạnh 5,1% so với cuối 2021, tương đương mức 15,9% so với cùng kỳ, trong đó dòng vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 18 - 20% tổng tín dụng.

“Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng tốt. Điều này chứng tỏ dòng tiền chủ yếu đi vào bất động sản”, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment nhận định.

"Van" tín dụng sẽ còn thắt chặt

Quay trở lại việc NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng, trong đó nhấn mạnh các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Có ý kiến cho rằng, đây chỉ mới là bước đầu của lộ trình kiểm soát tín dụng đổ vào lĩnh vực rủi ro. Nhiều khả năng van tín dụng cho đầu tư địa ốc, trái phiếu doanh nghiệp có thể còn thắt chặt hơn từ giữa năm 2022 để ổn định thị trường. Vậy, động thái này của ngân hàng sẽ tác động ra sao đến tín dụng?

Các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán SSI cho rằng, với việc chính phủ siết chặt hơn các hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực bất động sản, có thể khiến tăng trưởng tín dụng bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Nhận định của các chuyên gia không phải không có cơ sở, nhất là khi trong tháng 3 vừa qua một số ngân hàng đã đột ngột thông báo “hãm phanh” tín dụng bất động sản để tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng, việc ngân hàng siết tín dụng đổ vào trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản không tác động nhiều đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Một chuyên gia phân tích, đầu năm nay NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

“Như vậy, cơ quan quản lý đưa ra con số mục tiêu dựa vào sức hấp thụ của nền kinh tế và chủ yếu là tín dụng hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau đại dịch. Vì vậy, việc “siết” tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cũng không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới”, vị chuyên gia nói.

Huyền Anh

Lượt xem: 136
Tác giả: Tín dụng đổ mạnh vào trái phiếu và bất động sản
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật