Nếu Fed giảm lãi suất, chính sách tiền tệ và kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi ra sao?

Việt Nam có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong ngắn hạn để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải theo dõi sát diễn biến lạm phát, dòng vốn nước ngoài và tình hình kinh tế toàn cầu. Nếu có tín hiệu tăng trưởng mạnh hoặc lạm phát gia tăng thì NHNN có thể sẽ dần chuyển sang chính sách thắt chặt hơn để duy trì sự ổn định kinh tế.

Theo diễn biến của thị trường hiện nay, có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất trong tháng này và mức giảm sẽ là 25 điểm cơ bản. Trên thế giới, theo dự báo của CME group, tỷ lệ là 100% Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 17-18/09, trong đó 57% dự báo sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản và 43% nghiêng về việc Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản. Hiện nay, Fed vẫn đang rất cẩn trọng theo dõi các dữ liệu từ thị trường. Lạm phát đang giảm nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%. Tuy báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ suy yếu, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, nền kinh tế Mỹ khó có khả năng rơi vào tình trạng suy thoái. Do vậy, nhiều khả năng Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất cơ bản ở mức 0.25%.

Thu hút dòng vốn FDI

Ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách mảng Giao dịch ngoại hối và Phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ có thể mang lại một số tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Một số tác động chủ yếu có thể kể đến như: Giảm lãi suất, dẫn đến giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND, giúp ổn định thị trường ngoại hối và tạo điều kiện để NHNN có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài.

Tỷ giá ổn định cũng góp phần kiềm chế lạm phát, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, làm tiền đề hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, việc duy trì một tỷ giá ổn định cũng thể hiện niềm tin đối với đồng nội tệ tăng lên, giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Có thể chuyển dần sang thắt chặt chính sách tiền tệ?

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi cũng cho rằng, nếu Fed giảm lãi suất, tác động đến Việt Nam sẽ diễn ra trên nhiều khía cạnh, đặc biệt liên quan đến dòng vốn đầu tư, tỷ giá và lãi suất trong nước.

Đầu tiên, về tác động đến tỷ giá hối đoái, khi Fed giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD có thể suy yếu, gây áp lực tăng giá đối với đồng VND. Điều này sẽ khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt hơn và kém cạnh tranh hơn, nhưng hàng hóa nhập khẩu lại rẻ hơn. Tùy vào mục tiêu điều hành và diễn biến của thị trường ngoại hối, NHNN có thể phải can thiệp để ổn định tỷ giá hối đoái, nhằm bảo vệ khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu.

Thứ hai, về tác động tới dòng vốn đầu tư, lãi suất thấp ở Mỹ có thể khiến dòng vốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các thị trường mới nổi như Việt Nam. Việc này sẽ có thể dẫn đến tăng cường dòng vốn FDI và FII vào Việt Nam nhiều hơn, mạnh hơn, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng có thể tạo ra áp lực tăng giá phi mã của các tài sản (như bất động sản và chứng khoán). Khi đó, NHNN có thể phải cân bằng với nhiệm vụ kiểm soát dòng vốn nóng, đảm bảo sự ổn định tài chính.

Thứ ba, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ có sự điều chỉnh phù hợp khi Fed nới lỏng chính sách. NHNN có thể tiếp tục hoặc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 vẫn còn mạnh. Lãi suất thấp của Mỹ tạo không gian cho NHNN duy trì lãi suất thấp mà không lo ngại quá nhiều về sự chảy máu vốn.

Thứ tư, nếu dòng vốn ngoại đổ vào nhiều và dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế tăng lên, Việt Nam có thể đối mặt với áp lực lạm phát. Điều này có thể khiến NHNN phải điều chỉnh chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nếu lạm phát vượt tầm kiểm soát.

Thứ năm, ảnh hưởng lên chi phí vốn và tiêu dùng nội địa. Việc Fed giảm lãi suất có thể giúp Việt Nam giữ lãi suất cho vay thấp, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng sản xuất, hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, NHNN sẽ phải cân nhắc giữa việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát rủi ro lạm phát, nợ công.

Việt Nam có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong ngắn hạn để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, NHNN cần phải theo dõi sao diễn biến lạm phát, dòng vốn nước ngoài và tình hình kinh tế toàn cầu. Nếu có tín hiệu tăng trưởng mạnh hoặc lạm phát gia tăng thì NHNN có thể sẽ dần chuyển sang chính sách thắt chặt hơn để duy trì sự ổn định kinh tế.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khi Fed giảm lãi suất, sẽ làm cho đồng USD yếu đi, giảm áp lực lên tỷ giá. NHNN có thể tiếp tục giữ tỷ giá hối đoái như hiện nay gần 2% hoặc thấp hơn nữa. Khi đó, vấn đề lãi suất sẽ ổn định hơn, lãi suất ngân hàng không quá căng thẳng.

Tác động nhưng có độ trễ

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá tổng thể, dù Fed giảm lãi suất ít hay nhiều cũng sẽ có tác động lên nền kinh tế Việt Nam, nhưng sẽ có độ trễ. Nhưng trước đó, các nhà đầu tư đã hành động và việc này đã tạo ra sự đảo chiều về dòng vốn từ Mỹ sang các nước mới nổi cũng giảm áp lực phần nào.

Để đánh giá được chính sách tiền tệ của Mỹ có thực sự phát huy tác dụng hay không, phải chờ đến năm sau, vì độ trễ chính sách tiền tệ khá lâu, chưa kể sự truyền dẫn từ chính sách Mỹ sang Việt Nam sẽ càng lâu hơn.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam có thay đổi hay không cũng sẽ phụ thuộc vào tình hình tỷ giá. Nếu tỷ giá ổn và dòng tiền dịch chuyển về Việt Nam nhiều, khi đó mới có thể chủ động giảm lãi suất.

Thời gian qua, tỷ giá ổn định là do NHNN tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để tránh hiện tượng đầu cơ tỷ giá. Nhưng mặt trái là làm cho lãi suất tăng. Lãi suất liên ngân hàng tăng thì lãi suất huy động tăng, đó là sự đánh đổi. Muốn duy trì lãi suất thấp thì phải hy sinh tỷ giá và ngược lại.

Nhưng nếu dòng tiền vào Việt Nam nhiều như kiều hối cuối năm, khối ngoại quay đầu mua ròng nhiều trên thị trường chứng khoán, đón nhận dòng USD nhiều thì tỷ giá sẽ giảm, tạo điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất. Nhưng điều này có xảy ra không?

Lượt xem: 3
Tin liên quan