Kỳ vọng gì từ việc xây dựng Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh?

Việc khởi động Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành logistic tại các địa phương, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhận định về lĩnh vực logistic trong quy hoạch - vốn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh Việt Nam (Logistics Competitiveness Index - LCI), PGs. Trần Phương Trà, Giám đốc Mạng lưới chính sách kinh tế tại AVSE Global, cho rằng nếu xét ở tầm liên tỉnh và tầm quốc gia thì các tỉnh, thành phố đang có nhu cầu về hạ tầng cảng, sân bay, cao tốc…và họ sẽ có các đề xuất đưa lên tầm quốc gia. 

Chờ vai trò nổi bật của các địa phương

Tuy nhiên, như lưu ý của bà Trà, điều cảm nhận là các tỉnh, thành phố đang thiếu đi tính tổng thể và thiếu tính hệ thống về hạ tầng cứng để cho logistic liên kết giữa các địa phương thật sự hiệu quả. Trong khi đó, đây là yếu tố rất quan trọng nhằm giúp cho chuỗi giá trị nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở Việt Nam được phát triển một cách mạnh mẽ.

HINH-6778-1660210593.jpg

Việc khởi động Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh Việt Nam đang chờ vai trò nổi bật của các địa phương, từ đó tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu, và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, ở trong nội tỉnh hay trong thành phố, các bản quy hoạch cũng chưa được nổi bật vai trò của ngành logistics là ngành kết nối, bổ trợ các ngành kinh tế, giúp đảm bảo cho việc lưu chuyển hàng hoá. 

“Nguyên do có lẽ nằm ở khâu tổ chức, trong khi đây là ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành sản xuất như nông nghiệp, công nghiệp với các ngành hạ tầng, giao thông, xây dựng…”, bà Trà nói.

Bên cạnh đó, xét về xu hướng phát triển logistics quốc tế thì các tỉnh, thành phố vẫn còn thiếu cập nhật các xu hướng như Chuỗi cung ứng khép kín (Closed Loop Supply Chain), kinh tế tuần hoàn. 

Trong khi đó, đây là những xu hướng rất quan trọng trong việc quy hoạch ngành logistics ở các địa phương. Cho đến thời điểm hiện tại, như quan sát của bà Trà thì những xu hướng này chưa được thể hiện rõ ràng qua việc quy hoạch logistics dù có thể nhìn thấy xu hướng này trong quy hoạch của các ngành kinh tế khác.

Chia sẻ tại lễ khởi động Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam 2022 tổ chức ở Tp.HCM ngày 11/8, vị giám đốc Mạng lưới chính sách kinh tế tại AVSE Global nhấn mạnh rằng logistics như “trái tim” kết nối các khâu trong chuỗi giá trị, từ sản xuất, vận chuyển, lưu trữ… cho tới nhà cung cấp, người sử dụng cuối cùng. Nếu thiếu đi logistics thì chuỗi giá trị sẽ hoàn toàn không hiệu quả.

Chẳng hạn như việc tổ chức hoạt động logistic ở cấp độ thành phố hay cấp tỉnh thì điều cần lưu tâm là tính chiến lược, định hướng đúng. Tức là cần những hoạt động cụ thể, đưa ra được các mục tiêu kết nối các ngành liên quan. Điều này cũng đòi hỏi vai trò nổi bật của các cơ quan quản lý cấp địa phương nhằm tổ chức các khâu logistics sao cho hiệu quả.

Giúp giảm chi phí, thu hút đầu tư hiệu quả hơn

“Chính vì thế, việc thực hiện Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh là rất hữu ích. Điều này nhằm động viên các địa phương tổ chức chiến lược logistics sao cho thật tốt”, bà Trà nói.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Chỉ số LCI là Chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics Việt Nam.

Cùng với tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, Chỉ số LCI - do VLA phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị nghiên cứu VCCI, Dream Incubator (DI) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thực hiện, sẽ được sử dụng để tham gia phản biện chính sách với chính quyền địa phương để cải thiện, phát triển ngành dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh. 

Ngoài ra, con số và các đánh giá trong báo cáo chỉ số sẽ giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến LCI như là hỗ trợ quan trọng cho việc quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh…

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) bày tỏ sự kỳ vọng, Chỉ số LCI tại các tỉnh, thành phố giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành logistic tại các địa phương, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu, và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bàn về định hướng bộ Chỉ số LCI cấp tỉnh, giới chuyên gia cho rằng các yếu tố quan trọng nằm ở khâu tổ chức, hạ tầng, đưa công nghệ vào quản lý chuỗi cung ứng và logistics, những điều kiện về kinh tế vĩ mô, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, kích cỡ thị trường, sự năng động trong môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo…

Cũng nên biết rằng, xét về chỉ số thể hiện mức độ cạnh tranh của logistics Việt Nam so với các quốc gia khác thế giới thì thấy rằng đang đứng ở vị trí thứ 77. Với thứ hạng như vậy thì các địa phương chính là các cấu phần của Việt Nam, nếu từng địa phương có mức độ tổ chức về logistics tốt thì chắc chắn sẽ nâng được thứ hạng cạnh tranh logistics của Việt Nam lên cao hơn trong tương lai.

Trong đó, liên quan đến hạ tầng logistics ở cấp tỉnh trong chỉ số LCI, giới chuyên gia cho rằng các địa phương cần cải thiện các vấn đề về đường xá, sự hiệu quả của dịch vụ tàu, cảng, đường hàng không và cả hệ thống điện cung cấp cho logistics.

Và điều quan trọng không kém trong chỉ số LCI cấp tỉnh chính là yếu tố con người. Nếu xét ở cấp độ địa phương thì đây vẫn còn là mặt hạn chế về các kỹ năng, thiếu nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu kết nối với các bên liên quan trong một chuỗi giá trị, thiếu đa dạng về lao động, thiếu sự đào tạo liên tục…

Thế Vinh

Lượt xem: 49
Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan