Kinh tế phục hồi tích cực, hướng đến đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm

Những kết quả tăng trưởng thuận lợi của 5 tháng đầu năm 2022 đã mang lại nhiều kỳ vọng cho Thủ đô trong kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, hướng đến đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Kinh tế đang phục hồi tích cực và phát triển tốt

Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, từ đầu năm 2022, Hà Nội thống nhất tinh thần "khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba" để tập trung thực hiện 24 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội, dự toán thu, chi ngân sách và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển năm 2022.

Đến nay, kết quả tăng trưởng của 5 tháng đầu năm 2022 với những con số tăng trưởng thuận lợi đã mang lại nhiều kỳ vọng cho Thủ đô về kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, hướng đến đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, các chỉ số hoạt động kinh doanh của 5 tháng năm 2022 tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ, kinh tế đang phục hồi tích cực và phát triển tốt.

Tổng thu NSNN trong 5 tháng đầu năm 2022 của Hà Nội đạt trên 164.200 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán, bằng 127,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu phục hồi mạnh, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 6,91 tỷ USD, tăng 18,8%. Kim ngạch nhập khẩu tăng tương ứng 18,9% và tăng 20,2%.

Sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài đạt 312 triệu USD; thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách 2.117 tỷ đồng. Có 2.427 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 22.477 tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiệp và giảm 47% vốn đăng ký).

Lũy kế 05 tháng đầu năm, có trên 11.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là trên 144.000 tỷ đồng (tăng 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 5% vốn đăng ký). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 627 doanh nghiệp (tăng 10%).

Thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn tăng cao, thị trường lao động Thành phố đạt được những tín hiệu lạc quan hơn so với cùng kỳ năm 2021, tình hình thất nghiệp giảm so với năm trước. Kết quả 5 tháng đầu năm, toàn thành phố giải quyết việc làm cho gần 97.000 lao động, đạt 60,6% kế hoạch năm…

Những con số tăng trưởng nêu trên được TP. Hà Nội đánh giá cao tại cuộc họp giao ban UBND Thành phố về kinh tế-xã hội gần đây nhất. Thành phố đánh giá đây là dốc mốc đặc biệt của Hà Nội sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, nhờ Thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, các ngành dịch vụ, du lịch đã tăng trưởng trở lại, kinh tế tiếp tục tăng trưởng tạo đà tăng trưởng cho các tháng tiếp theo. Xu hướng phục hồi tăng trưởng như trên nên kinh tế Thành phố quý II/2022 dự kiến sẽ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… trong quý II/2022 sẽ tiến triển rõ rệt.

Nỗ lực các giải pháp thu ngân sách, đúng tiến độ các công trình

Là quận trung tâm nhất Thủ đô, trong 5 tháng năm 2022, tổng thu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đạt trên 5.760 tỷ đồng, đạt 51,3% dự toán năm; công tác chi ngân sách bám sát vào dự toán của HĐND, bảo đảm kịp thời cho các ngành và các phường để thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng kế hoạch. Quận cũng chỉ đạo các phường siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính ngân sách trong thực thi công vụ để chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao từ nguồn ngân sách được cấp. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm, quận đặt ra 2 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, đẩy mạnh nguồn thu, Chi cục Thuế quận phối hợp với 18 phường triển khai đồng bộ, linh hoạt, có hiệu quả các giải pháp thu ngân sách như kiểm soát thường xuyên sự biến động của các đối tượng nộp thuế, theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn để có thể dự báo sự ảnh hưởng của sản xuất kinh doanh đối với thu ngân sách.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách thuế, đặc biệt là sự hỗ trợ theo các quy định của Chính phủ, Thành phố với các đối tượng nộp thuế; tăng cường giải pháp chống thất thu, đôn đốc thu hồi nợ đọng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, cắt giảm các thủ tục để tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi nhất cho đối tượng nộp thuế…

Quận cũng điều hành linh hoạt nhiệm vụ chi ngân sách, chủ động sử dụng nguồn dự phòng, nguồn kết dư ngân sách năm 2021 chuyển sang năm 2022 để thực hiện chi bảo đảm các nhiệm vụ theo quy định. Điều hòa vốn trên các lĩnh vực để giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, tăng tỷ lệ giải ngân vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội được Thành phố giao.

Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, trong 5 tháng đầu năm đơn vị được giao 4 dự án quan trọng của Thành phố, đến nay đã được duyệt 3 dự án (Quốc lộ 6; dự án đường kết nối tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3; dự án đường hầm chui 2,5) và đang phối hợp với Sở Giao thông vận tải lập dự án hầm chui cầu Thượng Cát.

Ban Quản lý hiện cũng đang tập trung triển khai một số dự án lớn quan trọng, như dự án cầu chữ C tại Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc đang dự kiến thông xe vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10; dự án Cầu Vĩnh Tuy 2; nút giao An Dương-đường Thanh Niên đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - Cầu Nhật Tân hiện đang phối hợp với các đơn vị liên quan phân luồng giao thông, tổ chức thi công theo tiến độ.

Đối với việc khởi công các cụm công nghiệp, Sở Công Thương cho biết từ đầu năm đến nay đã khởi công 6 cụm công nghiệp, tiếp tục khởi công 10 cụm công nghiệp từ nay đến cuối năm. Đồng thời, Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để triển khai các cụm công nghiệp còn vướng mắc, sớm đưa vào triển khai.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, Sở sẽ triển khai 30 chương trình, sự kiện kích cầu tiêu dùng hàng hóa, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thương mại cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong 6 tháng cuối năm, Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành: Du lịch, vui chơi, giải trí, vận tải, logistics... Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên kênh CNN quốc tế và ở trong trước; chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đôn đốc tiến độ các dự án cấp nước sạch nông thôn, dự án xử lý rác thải; đẩy mạnh thực hiện Đề án cải tạo chung cư cũ...

Ngoài ra, phát huy vai trò, trách nhiệm của 6 Tổ công tác của Thành phố về giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tối đa nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư. 

Lượt xem: 46
Tác giả: Theo Gia Huy/chinhphu.vn
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật