Không dễ để du lịch phục hồi ngay sau mở cửa

Việc mở cửa hoạt động du lịch được các doanh nghiệp lữ hành đánh giá là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Câu hỏi đặt ra, sau quãng dài kiệt sức vì Covid-19, liệu thị trường du lịch có hồi sinh ngay và phục hồi bền vững trong bối cảnh mới hay không?

Nếu như mọi năm, để không bị hụt vé máy bay đi du lịch vào dịp giỗ tổ Hùng Vương, 30/4-1/5 thậm chí là nghỉ hè, nhiều gia đình đã lên kế hoạch đặt vé từ những ngày đầu năm nhằm tận dụng những đợt khuyến mãi lớn của các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên năm nay, không ít người thay đổi lựa chọn.

Doanh nghiệp vẫn “đói” khách

Chị Nguyễn Thị Hoài (Hà Nội) cho biết rất muốn đi du lịch vào dịp nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương 10/3 sắp tới vì được nghỉ 3 ngày. Nếu như mọi năm là giờ chị đã đặt vé xong xuôi nhưng năm nay chị quyết định đến gần ngày đi mới đặt.

“Dù biết là đặt sát ngày sẽ khó và giá vé tăng cao hơn nhưng giờ dịch bệnh phức tạp, không biết đến lúc đó có bị nhiễm Covid-19 hay không. Nếu có thì lại hoãn, hủy và cũng không biết đến khi nào sẽ đi được tiếp”, chị Hòa chia sẻ.

Tâm lý như của chị Hoài hiện không ít bởi theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vào tháng 1 vừa qua cho thấy, nếu như trước Covid-19, khách đặt dịch vụ trước chuyến đi khá xa thì nay lại chuyển sang đặt sát ngày đi hơn. Trong đó có tới 74% khách du lịch chỉ đặt dịch vụ trước 7 ngày, thậm chí 28% không đặt trước dịch vụ bởi lo lắng nguy cơ bùng phát dịch khi đi du lịch (61%).

du-lich-hoi-AN-1118-1645632039.jpg

Du lịch cần thời gian để thích ứng trong bối cảnh mới.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, cho biết có tình trạng trên là vì xu hướng du lịch của người dân giờ đã thay đổi. Thay vì những chuyến đi xa với thời gian dài thì hiện nay du lịch tự phát, tự túc phát triển. Bên cạnh đó, dịch bệnh trong hai năm qua khiến người dân lo ngại vấn đề kẹt tiền cọc khi đặt dịch vụ ở công ty lữ hành. Đây là các nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lữ hành đang trong tình trạng “đói” khách.

Ông Hầu Thăng Bình, đại diện SaiGon hotel (TP. HCM), cho biết ngành du lịch đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Mặc dù hiện nay, Chính phủ có những chiến lược mở cửa nhưng điều đó không có nghĩa là thực tế được như mong muốn. Cụ thể, khảo sát tại TP. HCM trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, lượng phòng khách sạn lấp đầy chưa đến 30%.

“Từ Tết đến nay, lượng khách tăng đột biến ở các điểm du lịch của nhiều địa phương nhưng khách đặt phòng của doanh nghiệp không đạt mức kỳ vọng (chỉ hơn 1.000 khách). Trong khi thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19 vào năm 2019, doanh nghiệp đón khoảng 10.000 khách”, ông Bình cho biết.

Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng hình thức khuyến mãi, giảm giá để kích cầu và cạnh tranh nhưng theo các chuyên gia đó không phải là biện pháp dài hạn. Ngược lại những biện pháp này có thể sẽ làm loãng giá dịch vụ, do đó, đây không phải là chiến lược bền vững.

Vẫn đầy rẫy khó khăn

Để thích ứng với tình hình mới, Chính phủ đã có quyết định mở cửa đường bay quốc tế từ 15/2 và mở hoàn toàn cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa từ 15/3. Việc mở cửa đón khách quốc tế sẽ mở ra bước ngoặt mới cho ngành du lịch vì trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đón khách từ nhiều thị trường khác nhau, như: Hàn Quốc, Dubai (UAE), Singapore, Malaysia, Uzbekistan, Nga…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, không phải cứ mở cửa là có thể phục hồi được ngay bởi du lịch cần thời gian thích ứng trong bối cảnh mới.

Nói về khả năng phục hồi mảng du lịch nói chung và khách sạn nói riêng, một đại diện của Tổng cục Du lịch cho rằng, tuy thị trường tăng trưởng rất tốt trong dịp Tết vừa qua nhưng ngành du lịch vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn.

Không ít doanh nghiệp vẫn đóng cửa vì không có khách du lịch hoặc không có nhân lực để phục vụ. Nhiều khách sạn báo kín phòng nhưng đó chỉ là kín với số phòng mà chủ khách sạn có thể mở ra trong từng dịp chứ không phải là kín toàn bộ phòng của khách sạn.

Ông Hầu Thăng Bình cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp rất cần vốn để chỉnh trang lại cơ sở vật chất đã xuống cấp do hai năm không hoạt động. Ngoài ra là nguồn vốn kinh doanh, quảng cáo hay vấn đề tìm kiếm nguồn nhân lực trong lúc toàn ngành đang khan hiếm do nhiều lao động đã chuyển nghề là cả một vấn đề.

khach-quoc-te-2679-1645632040.jpg

Khách quốc tế được đánh giá cao trong việc thúc đẩy ngành du lịch.

“Việc đầu tư, sửa chữa lại cơ sở vật chất đối với một doanh nghiệp là con số không nhỏ. Nếu cứ vội vàng sửa chữa, mở ra mà khách không có hoặc quá ít thì lại lỗ nặng”, ông Bình nói.

Cùng chia sẻ về khả năng hồi phục thị trường sau mở cửa, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox, cho rằng do số lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, du lịch đã mở cửa vẫn còn ít nên việc một số doanh nghiệp đông khách vào thời điểm gần đây chưa thể phản ánh đúng thị trường.

Theo ông Phước, hiện du khách chủ yếu là đến các điểm du lịch gần, chơi trong ngày rồi về nên không ở tại khách sạn và không đặt dịch vụ của doanh nghiệp lữ hành. Nếu trường hợp khách ở lại nhiều hơn thì hệ thống khách sạn vẫn chưa thể hết khó khăn vì thị trường này chỉ có thể lấp đầy chừng 30-40% phòng. “Nhiều doanh nghiệp vẫn chờ tình hình dịch ổn định hơn mới dám mở cửa”, ông Phước chia sẻ.

Trong khi trên thực tế cho thấy khách hàng có nhu cầu du lịch thực sự lại chưa đặt tour lúc này bởi dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trừ những người kết hợp thăm người thân hoặc có việc gấp mới đi.

Lý do chính là ngoài dịch bệnh thì hiện giá các dịch vụ, sản phẩm du lịch đang cao hơn khoảng 30-35% so với thời điểm trước dịch. Ví dụ như tour Campuchia có thể lên tới 20 triệu đồng. Giá dịch vụ tăng là do các chuyến bay thông lệ quốc tế chưa nhiều nên giá vé còn cao. Ngoài ra, đối với khách quốc tế vẫn còn tình trạng e ngại việc nhập cảnh Việt Nam, phải cách ly khi quay trở về, hay quy định khi mắc Covid-19 trong quá trình du lịch...

PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch & Khách sạn (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho biết sau hai năm chống đỡ dịch Covid-19 với vô vàn khó khăn, các doanh nghiệp du lịch gần như đã rơi vào kiệt quệ nên dù có mở cửa thị trường thì du lịch cũng khó có thể nhanh chóng phục hồi so với thời gian trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

Theo đó, ngành du lịch cũng cần thời gian thích ứng trong bối cảnh mới và đặc biệt cần một kế hoạch hành động tổng thể, dài hơi từ việc thống nhất quy trình đón khách, đơn giản hóa quy trình kiểm soát dịch bệnh. Còn các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng hoàn thiện về vốn, nhân sự, kế hoạch phát triển thị trường… Đây là những bước đệm thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch nhanh và bền vững.

Tùng Lâm

Lượt xem: 181
Tác giả: Doanh nghiệp vẫn “đói” khách
Tin liên quan