IMF dự báo lạm phát tại Campuchia ổn định ở mức 2.3% trong năm 2024
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được công bố vào tháng 4/2024, lạm phát tại Vương quốc sẽ duy trì ổn định ở mức 2.3% trong năm nay, tăng nhẹ so với mức 2.1% hồi năm ngoái và nhìn chung có sự tương đồng với các nền kinh tế khác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo của IMF cho biết: "Với xu hướng giảm phát nhanh chóng và tăng trưởng ổn định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tiến gần đến một điểm hạ cánh nhẹ nhàng". Báo cáo cũng dự báo lạm phát tại Campuchia sẽ đạt mức 3% vào năm 2025.
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế Vương quốc sẽ đạt 6% trong năm nay và 6.1% vào năm tới. Xét trong phạm vi khu vực ASEAN, quốc gia Đông Nam Á này chỉ xếp sau mức tăng trưởng GDP 6.2% của Philippines cho cả 2 năm.
Báo cáo của tổ chức tài chính quốc tế cũng ước tính kinh tế Campuchia tăng trưởng 5% trong năm 2023.
Báo cáo nêu: “Hoạt động kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương thể hiện sự tăng trưởng khả quan hơn kỳ vọng trong nửa cuối năm 2023, ngay cả trong bối cảnh đầy thách thức vì chính sách tiền tệ vẫn thắt chặt và nhu cầu nước ngoài yếu ớt. Khu vực tăng trưởng 5% trong năm 2023, cao hơn 0.4 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 10. Theo báo cáo, yếu tố giúp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được xu hướng tăng trưởng vượt trội này là nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường mới nổi.
Báo cáo cũng cho biết lạm phát tổng thể tiếp tục giảm, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi thuộc châu Á. Điều này thể hiện hiệu quả của việc thắt chặt chính sách tiền tệ kịp thời trong năm 2022 và đầu năm 2023, giá cả hàng hóa giảm, lạm phát giá hàng hóa sản xuất toàn cầu thấp hơn và năng lực cung ứng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trong năm 2024, tăng trưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống 4.5%. Mức tăng trưởng này đã được điều chỉnh tăng 0.3 điểm phần trăm so với hồi tháng 10 năm ngoái, một phần nhờ vào kết quả tích cực hơn của năm 2023 và sự hỗ trợ về mặt chính sách. Khu vực này được kỳ vọng vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất thế giới, đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng toàn cầu.
Theo IMF, lạm phát giảm và triển vọng nới lỏng tiền tệ sớm hơn đã làm tăng khả năng hạ cánh an toàn, cả ở châu Á và toàn cầu. "Tuy nhiên, tình trạng phân mảnh địa kinh tế gia tăng và căng thẳng địa chính trị tiếp tục tiềm ẩn những rủi ro đáng kể cho tăng trưởng trung hạn trong khu vực", báo cáo nêu.
Riêng đối với Campuchia, theo Ngân hàng Trung ương (NBC), tăng trưởng quốc gia trong năm 2024 sẽ được thúc đẩy nhờ lĩnh vực công nghiệp, được kỳ vọng tăng 8.6%, trong khi dịch vụ tăng 6.4% và nông nghiệp tăng 1.3%.
Theo Báo cáo thường niên 2023 và Kế hoạch hành động 2024 của NBC, trong năm nay Vương quốc sẽ đối mặt với những thách thức bên ngoài như: xu hướng tăng trưởng chậm hơn dự báo ở các nước đối tác, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, các nền kinh tế địa chính trị toàn cầu bị chia rẽ và biến đổi khí hậu.
Đối với những thách thức trong nước, nền kinh tế Campuchia sẽ đối mặt với tình trạng nợ cao trong lĩnh vực tư nhân, gia tăng nợ xấu, phục hồi yếu từ lĩnh vực xây dựng, nhu cầu bất động sản giảm và lượng du khách thấp.
* Tài khoản giao dịch chứng khoán trên sàn Campuchia tăng gần 32% trong quý 1
* Campuchia sẵn sàng trở thành đối tác chiến lược của doanh nhân và nhà đầu tư