HTX tìm cách cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử được đánh giá là giúp các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng đầu ra trong bối cảnh công nghệ số được ứng dụng rộng rãi. Thế nhưng, chưa có nhiều HTX tận dụng triệt để được hình thức bán hàng này.

Dù nhiều mặt hàng từ nông sản, tiểu thủ công nghiệp đang là thế mạnh của các HTX nhưng mối lo canh cánh phải cạnh tranh với hàng từ các nước khác trên sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng online luôn thường trực trong tâm trí của không ít thành viên HTX.

Hiệu quả chưa như mong đợi

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hiền Thi (Lâm Đồng), cho biết nông sản của HTX đang có mặt ở khắp các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, sàn thương mại chuyên về nông sản… Nhờ có các kênh bán hàng trực tuyến, doanh thu từ các đại lý, nhà phân phối cũng đã gia tăng đáng kể.

Tuy nhiên, dù sản xuất nông sản nhưng các thành viên HTX vẫn ái ngại trước tình trạng bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh của sản phẩm Trung Quốc và cả những sản phẩm cùng loại từ nước ngoài trên các trang bán hàng online, sàn thương mại điện tử.

Theo bà Hiền, những năm gần đây, nhiều loại rau củ của Trung Quốc đang áp đảo hàng Việt Nam, thậm chí sau khi nhập về những mặt hàng này lại được gắn mác rau củ Đà Lạt. Dù biết rằng, nông sản từ Trung Quốc không phải là không tốt nhưng nếu được nhập tiểu ngạch, không được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng lại mang các thương hiệu rau củ quả của Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng đến các HTX và tạo sự bất bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, một số gian hàng còn lấy ảnh, video đẹp từ các đầu mối bên Trung Quốc, Thái Lan… và quảng cáo bằng những lời có cánh là hàng Việt nhằm thu hút người mua. Có những nông sản, sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước không giống như quảng cáo khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các HTX. Trong khi các nông sản của Trung Quốc hay một số nước khác có mẫu mã, hình thức bắt mắt hơn nhiều so với nông sản của các HTX. Đó là chưa kể, Trung Quốc có khâu sơ chế, bảo quản nông sản tốt hơn.

-8417-1676624692.jpg

Đầu tư để bán hàng chuyên nghiệp hơn sẽ giúp các sản phẩm bán trên gian hàng online của HTX cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại từ các nước khác.

Ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Làm nông minh bạch, cho biết do kỹ thuật bảo quản tốt hơn nên cà rốt của Trung Quốc có thể để đến 20-30 ngày, bắp cải có thể để được 10-15 ngày, còn rau của một số HTX trong nước chỉ 2 ngày là đã hư hỏng, chất lượng xuống cấp.

Chính vì những điều trên mà không chỉ nông sản mà nhiều mặt hàng khác của các HTX cũng khó cạnh tranh trên các trang bán hàng online. Nhiều HTX dù bán hàng trên mạng hay trên một số sàn thương mại điện tử nhưng lượng hàng bán ra chưa được như mong muốn.

Cần quan tâm mẫu mã, cách bán hàng

Theo các chuyên gia, dù mua hàng online nhưng đa số khách hàng hiện nay vẫn quan tâm nhiều đến những lợi ích mà mình được hưởng từ các gian hàng chứ họ không có ý định gắn bó lâu dài với đơn vị bán hàng.

Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng, dù cùng một nông sản, sản phẩm nhưng nơi nào bán giá rẻ hơn, giao hàng nhanh hơn, có ưu đãi… thì họ mua. Trong khi đó, phần lớn hàng Trung Quốc, Thái Lan hiện nay có giá rẻ do được sản xuất với số lượng lớn và mẫu mã cũng nhỉnh hơn.

Cũng có những người tiêu dùng mua trực tiếp từ các trang thương mại điện tử từ Trung Quốc nhưng lợi thế là thời gian và phí giao hàng từ Trung Quốc đến một số thành phố lớn ở Việt Nam hiện không chênh lệch nhiều. Thậm chí, phí giao hàng từ Trung Quốc đến các tỉnh, thành của Việt Nam còn rẻ hơn phí giao hàng giữa các tỉnh, thành của Việt Nam với nhau.

Thực tế, đã có người Việt mua hàng từ Thâm Quyến, Trung Quốc nhưng giá cước chỉ mất chưa đến 20.000 đồng, thời gian giao hàng là 3 ngày. Trong khi đối với các HTX giao hàng từ Hà Nội - TP.HCM thường kéo dài 4-7 ngày đối với những mặt hàng khô, đã chế biến. Còn những mặt hàng tươi sống thì hầu hết là được gửi xe khách, làm ảnh hưởng đến chất lượng, gây hao hụt…

Theo các chuyên gia, vẫn có rất nhiều HTX sản xuất được sản phẩm chất lượng tốt, thậm chí đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các nước phát triển trên thế giới nhưng lại chưa thực sự quan tâm đầu tư bài bản cho mẫu mã, quảng cáo. Đây có thể là điều trái ngược với những sản phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan. Hàng của một số nước có khi chất lượng bình thường nhưng hình thức bắt mắt.

Người bán hàng ở Việt Nam dù nhập hàng từ Trung Quốc nhưng được hỗ trợ hình ảnh và video chất lượng cao về sản phẩm. Họ cũng sẵn sàng chi tiền để quảng cáo, livestream… để bán được số lượng lớn.

Chính vì vậy, nếu các HTX đã tự tin về chất lượng nông sản, hàng hóa của mình thì cần tiếp tục đầu tư các kỹ năng khác để bán được hàng trên các trang thương mại điện tử hiệu quả và có thể cạnh tranh được với hàng hóa từ một số nước.

“HTX tự tin về chất lượng sản phẩm nhưng nếu cùng một sản phẩm và sản phẩm đó có sự tương đồng về giá cả, chất lượng nhưng người tiêu dùng lại chọn sản phẩm của nước ngoài thì các HTX phải xem lại. Phải chăng, mình chưa bán được hàng là ở khâu quảng cáo, chi phí vẫn đắt hơn hay giao hàng chậm hơn…?”, ông ưng Thế Lãm nói.

Huyền Trang

Lượt xem: 5
Tác giả: Hiệu quả chưa như mong đợi
Tin liên quan