HTX sản xuất ngưng trệ vì điện chập chờn

Nắng nóng kéo dài, thiếu điện hiện hữu đang trở thành nỗi lo với các HTX. Tình trạng cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX bị ảnh hưởng, dẫn tới đội chi phí, gây thiệt hại cây trồng, vật nuôi từ đó giảm lợi nhuận.

Ông Tô Văn Kền, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây ăn quả xã Đức Bình (Sông Hinh, Phú Yên) cho biết, HTX đang trồng các loại cây ăn quả như trồng bưởi, ổi, sầu riêng, thanh long…

Lao đao vì thiếu điện

Nhiều cây trồng của tổ hợp tác đang vào vụ tưới nước. Mỗi ngày, hộ thành viên phải bơm nước tưới cho vườn một lần, ngày nắng nóng phải bơm tưới 2 lần/ngày. Nhưng vì lịch cắt điện nên thành viên không bảo đảm lịch tưới phục vụ cho cây ăn quả ra hoa, nếu cây bị khô hạn sẽ không đậu trái. “Không thể giữa trưa nắng có điện mà bơm nước tưới cho cây được vì như vậy cây sẽ ủ dột và chết”, ông Kền nói.

Còn ông Đinh Văn Tiệp, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thái Thịnh (Thái Bình) đang phát triển chăn nuôi gà, lợn, vịt, cho biết gia súc gia cầm vào mùa hè vốn đã phát triển chậm hơn mùa đông vì trong chuồng nuôi có đệm sinh học và nuôi với số lượng lớn thì nhiệt độ đã cao hơn bên ngoài ít nhất 4-5 độ C. Chính vì vậy, để phát triển quy mô lớn, buộc ông phải đầu tư hệ thống làm mát, quạt thông gió trong chuồng nuôi.

Vậy nhưng tình trạng cắt điện liên tục và trong thời gian dài khiến hoạt động sản xuất của gia đình ông rơi vào cảnh bị động vì phải túc trực thường xuyên ở khu vực nuôi và phải thuê máy phát điện làm tăng chi phí chăn nuôi. Với quy mô chăn nuôi lên đến cả vạn con, nếu không thuê máy phát điện, vật nuôi sẽ bị ngạt và chết, hoặc nhẹ thì cũng không tăng cân, hay mắc một số bệnh. Khi đó, nếu cố nuôi thì vật nuôi cũng không cho hiệu quả kinh tế cao.

-7341-1686304466.jpg

Chỉ khi nguồn điện được bảo đảm, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX mới không bị rủi ro, đội chi phí.

Có thể thấy, tình trạng điện mất liên tục, thời gian mất điện kéo dài nhiều tiếng liền, thậm chí cả ngày và đêm/đợt khiến các HTX rất lo lắng. Khi không có điện duy trì hệ thống làm mát, vật nuôi sẽ bị sốc nhiệt, có nguy cơ bị chết. Còn đối với những HTX kinh doanh thực phẩm sạch, điện cắt thường xuyên khiến HTX không duy trì hệ thống làm mát phục vụ bảo quản nông sản, ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm và thậm chí làm hỏng hóc hệ thống máy móc.

Ông Lưu Sỹ Đoán, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất kinh doanh lương thực thực phẩm hữu cơ Ban Mai BIO (Thái Bình) cho biết, nguồn điện rất cần cho các đơn vị bảo quản thực phẩm tươi sống vì không có điện, thực phẩm bị rã đông, vi khuẩn xâm nhập. Khi thực phẩm đã hỏng thì không thể có hàng giao cho các đại lý.

“Dù có thuê máy phát điện thì với hệ thống chuồng trại, cửa hàng, văn phòng như hiện nay, HTX cũng không đủ để đảm bảo hết tất cả các hoạt động diễn ra như bình thường”, ông Đoán chia sẻ.

Không dễ duy trì sản xuất

Hiện nay, hầu hết các HTX đã ứng dụng máy móc, đầu tư công nghệ, dây chuyền hiện đại vào một phần hoặc toàn bộ quy trình sản xuất kinh doanh nhằm phát triển theo hướng hàng hóa, xây dựng các chuỗi giá trị. Chính vì vậy, sản xuất kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX luôn cần sự bảo đảm của nguồn điện. Nhưng từ đầu mùa nóng tới nay, công việc sản xuất của nhiều HTX liên tục bị gián đoạn do không có điện.

“Với những HTX, đơn vị chăn nuôi theo hình thức chăn thả, có quỹ đất cho vật nuôi chơi thì có thể ít ảnh hưởng khi mất điện. Nhưng với những HTX chăn nuôi theo hình thức khép kín thì mất điện đồng nghĩa với dừng sản xuất, mất điện là thiệt hại về kinh tế”, ông Đinh Văn Tiệp cho biết.

Để duy trì sản xuất, nhiều HTX đã thuê hoặc đầu tư máy phát điện. Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng đủ điều kiện để đầu tư máy phát điện bởi với quy mô trang trại lớn, mỗi máy phát điện hiện nay có giá cả trăm triệu đồng. Nhiều HTX muốn duy trì phải đầu tư hàng trăm triệu đồng mới có “đủ điện” để bảo đảm sản xuất kinh doanh.

Vậy nhưng trong bối cảnh giá nhiều loại vật nuôi như lợn, gà ở mức thấp nhiều ngày liền, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giờ lại thêm chi phí đầu tư máy phát, tiền dầu chạy máy phát, nhiều HTX không dễ gì gồng gánh nổi.

Nhiều HTX cho rằng, trong điều kiện hiện nay nếu có nguồn kinh phí đầu tư máy phát điện sẽ duy trì được sản xuất. Tuy nhiên, khi đã đầu tư thì máy móc cũng cần được hoạt động thường xuyên mới hạn chế hỏng hóc. Nếu đầu tư hàng trăm triệu đồng mà chỉ sử dụng được trong một mùa hoặc sử dụng ít thì không mang lại hiệu quả. Trong khi mọi năm không xảy ra tình trạng cắt điện nhiều như năm nay nên các HTX chưa có sự chuẩn bị và cũng không biết có nên đầu tư hay không.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động máy phát điện, HTX cũng không thể tránh được hết những rủi ro, những trục trặc không lường được trước. Và khi rủi ro ở mức độ lớn như chập, cháy, nổ… thì HTX cũng không kịp phản ứng và mọi đầu tư coi như mất hết.

“Máy phát điện cần hệ thống dây điện phải đầu tư phù hợp. Nếu HTX trước đó chưa có sự chuẩn bị thì cũng khó khăn trong việc dùng máy phát. Hơn nữa, nguồn điện của máy phát không ổn định và tiếng ồn lớn, nên ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất”, ông Lưu Sỹ Đoán chia sẻ.

Hiện, nhiều HTX đã có phương án cụ thể để tiết kiệm điện sản xuất bởi tiết kiệm điện cũng là cách giúp HTX giảm chi phí. Có HTX cũng chuyển sản xuất vào giờ cao điểm sang thấp điểm, hoặc dùng máy phát điện. Song, đây chỉ là giải pháp tính thế, bởi nếu kéo dài sẽ khiến HTX thêm khó khăn, gián đoạn sản xuất từ đó khó phục hồi và phát triển trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay.

Trước thực trạng thiếu điện dẫn đến phải cắt điện, các HTX cũng rất chia sẻ với những khó khăn của ngành điện hiện nay. Các HTX cho rằng, ngành điện cần tính toán để có kế hoạch và phương án cắt giảm điện phù hợp, ưu tiên cao cho sản xuất. Bởi nếu cắt điện kéo dài, HTX sẽ gặp khó với bài toán chi phí và duy trì sản xuất kinh doanh

Huyền Trang

Lượt xem: 4
Tác giả: Lao đao vì thiếu điện
Tin liên quan