Hai thái cực của cổ phiếu có tính chu kỳ

Không phải cứ cổ phiếu của một doanh nghiệp tốt nào cũng đem lại gia tăng về giá trị. Bởi đối với những cổ phiếu có tính chu kỳ, sự thay đổi sẽ bị ảnh hưởng theo diễn biến kinh tế, ngành nghề.

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh, song không hiếm các cổ phiếu chu kỳ lại liên tục ngược dòng, đem lại lợi nhuận “khủng” cho nhà đầu tư.

Ngược dòng thị trường

Đầu tiên có thể kể đến ngành thuỷ sản. Nhóm cổ phiếu này đang nằm trong chu kỳ đi lên theo giá thủy sản, đặc biệt là giá cá tra. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong ngành thu về mức doanh số và lợi nhuận tăng bằng lần so với cùng kỳ.

Không chỉ vậy, cổ phiếu của nhóm thủy sản cũng trở thành điểm nóng nhất trên sàn chứng khoán, đi ngược diễn biến chung kể từ đầu năm đến nay, thậm chí còn thiết lập các đỉnh mới.

Nganh-thep-jpg-8622-1654505102.png

Cũng ngược dòng thị trường nhưng cổ phiếu nhóm ngành thép lại diễn biến theo hướng không tích cực. (Ảnh: Int)

Chẳng hạn, quý I/2022, nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng ở hầu hết thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, EU, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 83% đạt 3.276 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp lên gần 24%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 553 tỷ đồng, gấp 4,2 lần cùng kỳ và chỉ xếp sau mức lãi kỷ lục hơn 600 tỷ trong quý III/2018.

Giá cổ phiếu VHC cũng leo một mạch tăng hơn 65% so với đầu năm, thiết lập mức đỉnh lịch sử ngay trong tháng 4. Sau đợt điều chỉnh trong tháng 5, cổ phiếu VHC tiếp tục đà tăng trưởng. Kết phiên ngày 3/6, cổ phiếu này thiết lập mức đỉnh mới (114.500 đồng/cp).

Hay như ngành phân bón, nhờ hưởng lợi từ giá bán tăng cao và hoạt động xuất khẩu thuận lợi, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), DAP-Vinachem (DDV), Hóa chất Đức Giang (DGC) đều tăng trưởng bằng lần. Chính nhờ mức lợi nhuận khủng này đã trợ lực cho giá cổ phiếu bứt phá mạnh từ đầu năm đến nay.

Có tính chu kỳ rõ rệt hơn cả ngành thuỷ sản và phân bón là cổ phiếu ngành dầu khí. Thực tế, giá dầu đã có sự phục hồi và tăng trưởng thần tốc, từ hiện tượng giá dầu âm do Covid-19 đến thời kỳ liên tục đạt những mốc cao hiếm có trong lịch sử nhờ nhu cầu hồi phục sau đại dịch và hệ luỵ từ căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài.

Đơn cử, 3 tháng đầu năm 2022, “anh cả” ngành khí PV Gas (GAS) ghi nhận doanh thu đạt 26.689 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 3.495 tỷ đồng, tăng 67%.

Trên sàn chứng khoán, nhờ động lực từ giá dầu neo cao, dòng tiền đầu cơ liên tục tìm đến, cổ phiếu GAS liên tục ở trong nhóm dẫn dắt thị trường để gồng gánh chỉ số.

Đáng chúy ý là ngành thép. Cũng ngược dòng thị trường nhưng cổ phiếu nhóm ngành này lại diễn biến theo hướng khác khi không ngừng “dò đáy” trong thời điểm VN-Index ghi nhận sự hồi phục.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra cuối tháng 5 vừa qua của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho hay, kế hoạch kinh doanh năm nay của ngành thép sẽ rất khó vì nhiều vấn đề không thuận lợi.

Thực tế, chỉ trong tháng 5 vừa qua, giá thép trong nước đã giảm 3 lần liên tiếp sau đà tăng lên mức cao nhất lịch sử.

Sau phát biểu của Chủ tịch Long, cổ phiếu HPG đã lao xuống mức sát giá sàn. Trước đó, cổ phiếu HPG cũng trong tình trạng lao dốc trước những thông tin không khả quan về kết quả kinh doanh của Tập đoàn như kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm giảm sút; sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép trong tháng 4 giảm gần 31% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với tháng 3 liền trước, sản lượng thép bán được trong tháng 4 của doanh nghiệp này cũng đã giảm 28%.

Chốt phiên ngày 3/6, cổ phiếu HPG đang giao dịch ở mức 33.400 đồng/cp, giảm gần 35% chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, giá thép và quặng sắt đã có nhịp tăng mạnh trong thời gian trước. Giá quặng sắt tăng do hạn chế nguồn cung, trong khi dịch bệnh khiến sản xuất đình trệ, các mỏ, cơ sở luyện kim bị ảnh hưởng nên nguồn cung giảm, làm tăng giá thép. Điều này đã khiến cổ phiếu thép liên tục thăng hoa. Do đó, khi giá thép giảm, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, giá cổ phiếu đi xuống là điều dễ hiểu.

Nên hay không đầu tư cổ phiếu có tính chu kỳ?

Thông thường, cổ phiếu có tính chu kỳ diễn biến theo các chu kỳ của một ngành kinh tế qua các giai đoạn như mở rộng, đỉnh cao, suy thoái và phục hồi. Hầu hết các cổ phiếu có tính chu kỳ thuộc về các doanh nghiệp bán các mặt hàng không thiết yếu mà người tiêu dùng có khả năng mua nhiều hơn trong thời kỳ kinh tế bùng nổ. Những cổ phiếu này cũng đến từ các doanh nghiệp có sản phẩm mà người tiêu dùng chọn chi tiêu ít hơn và cắt giảm trong thời kỳ suy thoái.

Nếu suy thoái đủ nghiêm trọng, cổ phiếu có tính chu kỳ có thể trở nên hoàn toàn vô giá trị và các doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Do đó, theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư vào các cổ phiếu có tính chu kỳ, song cũng không nên tránh hoàn toàn chúng.

Cổ phiếu có tính chu kỳ tăng và giảm theo chu kỳ kinh tế. Nhà đầu tư có thể dự đoán được sự chuyển động về giá trong những cổ phiếu có tính chu kỳ, từ đó cố gắng xác định đúng thời điểm tham gia thị trường như mua cổ phiếu ở điểm thấp trong chu kỳ kinh doanh và bán khi ở điểm cao.

Tuy nhiên, việc dự đoán luôn đưa đến hai kết quả: đúng hoặc sai. Đây cũng chính là lý do tại sao các nhà đầu tư cần cẩn thận về tỷ trọng của cổ phiếu có tính chu kỳ trong danh mục đầu tư tại bất kỳ thời điểm nào.

Lấy ví dụ về cổ phiếu ngành thép - ngành có tính chu kỳ cao. Trong thời điểm dịch bệnh vừa qua có thể xem là thời kỳ “đỉnh cao” của ngành. Tuy nhiên, sau giai đoạn tốt, các yếu tố bất lợi đã bắt đầu xuất hiện.

Ngược thời gian, ngành thép trong 10 năm vừa qua cũng có tình trạng như vậy: Khoảng 3 - 4 năm rất ổn rồi sau đó là hơn 1 năm, toàn bộ ngành gặp bất lợi, nhiều thông tin ngược chiều làm giá cổ phiếu đi xuống.

Cũng do tính chu kỳ nên định giá ngành thép thông thường không được trả cao quá. Các cổ phiếu bluechip có P/E trung bình khoảng 15 - 20 lần, nhưng cổ phiếu ngành thép, thậm chí là bluechip như HPG chỉ có P/E 8 - 9 lần, những lúc tốt có thể lên 10 lần nhưng sau đó đi xuống.

Như vậy, chiếu theo thời điểm hiện tại, cổ phiếu thép đang trong giai đoạn bất lợi. Do đó, nếu chỉ đầu tư trong khoảng thời gian quá ngắn 2 - 6 tháng thì rất khó hồi phục vì giá thép đang đi xuống.

“Khi đầu tư vào các cổ phiểu ngành có chu kỳ, cần hiểu và kiên nhẫn, xác định nếu không né được chu kỳ thì phải cần thời gian dài. Đấy là thử thách rất nhiều với nhà đầu tư”, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Chứng khoán BSC lưu ý.

Hải Giang

Lượt xem: 54
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan