Hà Nội: Kinh tế phục hồi với những chỉ số tăng trưởng ấn tượng

Với hàng loạt những giải pháp phục hồi kinh tế, trong 6 tháng đầu năm Hà Nội đã đạt được những chỉ số tăng trưởng nổi bật. Đây cũng là dấu ấn đặc biệt của Thủ đô sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Những chỉ số tăng trưởng ấn tượng

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 với tỉ lệ người trên 18 tuổi và trẻ em tiêm chủng luôn đạt mức cao. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế.

Triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong chương trình hành động của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã phân công 170 nhiệm vụ cụ thể tới các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã.

kinh tế Thủ đô đã phục hồi và tăng trưởng

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Đánh giá của UBND Thành phố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản xuất, kinh doanh của Hà Nội hồi phục mạnh mẽ. Bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm nổi bật: Cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo; kinh tế phục hổi mạnh mẽ, nhất là thương mại, dịch vụ; xuất khẩu phục hồi mạnh; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động tăng cao hơn cùng kỳ…

Dự kiến, GRDP của Hà Nội quý II tăng 9,49%; GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,79%, con số này gấp 1,32 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (5,91%).

Nhiều ngành tăng trưởng đã giúp TOVIthành phố bảo đảm các cân đối lớn về kinh tế, như: Dịch vụ tăng 9,05%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,31%, nông nghiệp tăng 2,39%, thuế sản phẩm tăng 4,55%...

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 170.985 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán, bằng 115,5% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 41.013 tỷ đồng, đạt 38,4% dự toán năm và bằng 136,9% so với cùng kỳ

Cũng trong 6 tháng, xuất khẩu của Hà Nội phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì mức tăng cao. Lũy kế 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8.500 triệu USD, tăng 19,5% (cùng kỳ tăng 4,5%). Một số nhóm hàng có tỷ trọng lớn và tăng cao như: Hàng dệt may; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện chiếm; gỗ và sản phẩm từ gỗ...

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được thành phố xác định và triển khai, hiệu quả đem lại là kinh tế Thủ đô trong 6 tháng đầu năm phục hồi tích cực, GRDP đạt 7,79%, hướng đến mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2022 (mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 7-7,5%).

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được kiểm soát, thành phố tập trung cơ cấu lại kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới, đẩy nhanh phát triển các lĩnh vực dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, vận tải…

Tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022 để kích cầu du lịch Thủ đô

Nhiều giải pháp kích cầu du lịch Thủ đô

Bên cạnh đó, phát triển mô hình kinh tế ban đêm, đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch; Thúc đẩy doanh nghiệp logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4 hướng đến mức độ 5, logistics điện tử.

Ngoài ra, hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật 5 cụm công nghiệp đã khởi công; triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của TP…Cùng với đó, đảm bảo tốt các điều kiện khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh mùa hè; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm…

Hà Nội cũng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ: Miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí và lệ phí; giảm tiền thuê đất, mặt nước; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất ngân hàng; cho vay ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội...

Trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính, thành phố đã khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.

Kết quả 5 tháng đầu năm 2022, giảm VAT 2% đối với gần 42.000 doanh nghiệp, đạt 43% so với kế hoạch; giảm thuế VAT 2% phân theo ngành kinh tế giảm trên 1.730 tỷ đồng. Trong đó, bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 413 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được giảm 311 tỷ; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa giảm 115 tỷ đồng... Tổng giá trị thuế VAT được giảm trừ 2% là 1.734 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch.

Giảm 20% mức tỷ lệ % khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với 33 doanh nghiệp, 3.954 cơ sở kinh doanh. Đã hỗ trợ giảm 88 tỷ đồng đối với cơ sở, hộ, cá nhân kinh doanh (phân theo ngành kinh tế).

Một nhiệm vụ khác Hà Nội đã thực hiện là thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 312 triệu USD, trong đó có 129 dự án mới với số vốn 96 triệu USD, 69 dự án bổ sung vốn đầu tư với số vốn 216 triệu USD; chấp thuận 146 hồ sơ góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 391 triệu USD.

Lượt xem: 34
Tác giả: Phương Thu
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật