Giúp HTX bứt tốc những tháng cuối năm

Bức tranh sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX từ đầu năm đến nay đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực từ chính các HTX, liên hiệp HTX và những giải pháp hữu hiệu từ cơ quan quản lý để các HTX có thể hoàn thành những mục tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2024.

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, 6 tháng đầu năm, cả nước thành lập mới 706 HTX, 7 Liên hiệp HTX. 60% HTX nông nghiệp liên kết chặt chẽ hơn với các HTX phi nông nghiệp (vận tải, du lịch, thương mại…) để sản xuất kinh doanh thuận lợi.

Bức tranh tích cực

Chỉ riêng HTX thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng chung của hầu hết HTX ở các lĩnh vực đều tăng doanh thu 0,2-1,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu nhập bình quân nhiều HTX nông nghiệp trong cả nước tăng, đạt 300 - 500 triệu đồng/ha. Điển hình, HTX rau quả Tân Minh Đức, HTX liên kết chuỗi nông sản CocoFood (Hải Dương), HTX Quang Tiến - Thuận Thành (Bắc Ninh)… Một số HTX có doanh thu tăng 5,7- 26,7% như HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), HTX Trường Anh, HTX Lộc Rừng, HTX Thắng Lợi (Cao Bằng)…

-3587-1721641541.jpg

Nhiều HTX sản xuất bưởi đang có cơ hội m rộng thị trường xuất khẩu.

Những tín hiệu tích cực trong sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX được cho là do chính sách thúc đẩy liên kết, tiêu thụ đã phát huy hiệu quả. Nhu cầu thế giới với các mặt hàng như rau quả, sầu riêng, hồ tiêu, cà phê, thanh long… tăng cao tạo thuận lợi cho các HTX xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quang Vinh, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng (Sơn La), cho biết từ đầu năm đến nay, việc tiêu thụ thanh long không hề khó khăn do diện tích loại quả này trên cả nước có phần giảm. HTX cũng kết hợp với chế biến nên thuận lợi trong tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Gần đây nhất, sau quá trình đàm phán, Hàn Quốc đã chấp nhận cho Việt Nam xuất khẩu quả bưởi tươi sang thị trường này. Đây là tín hiệu tích cực cho những HTX sản xuất kinh doanh bưởi trên cả nước.

Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ (Bình Dương), cho biết bưởi Việt Nam đã xuất khẩu sang Hà Lan, Nhật Bản, Canada, Mỹ, New Zealand... Sắp tới, quả bưởi tươi được xuất khẩu thêm sang thị trường Hàn Quốc giúp nông dân, HTX đa dạng thêm thị trường, mở rộng kênh tiêu thụ. Trong khi bưởi là một trong những nông sản thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh của nhiều HTX hiện nay.

Có thể thấy, sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp không nhỏ vào việc giúp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông thuỷ sản đạt hơn 29 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Điều này cũng là một phần công sức đóng góp của những HTX đã không ngừng sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, đầu tư quy mô lớn.

Cần chiếc kiềng 3 chân

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, các HTX hiện nay vẫn gặp không ít bất lợi cả ở đầu vào và đầu ra. Cụ thể, về đầu ra, nhu cầu thị trường trong nước đối với nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản không cao. Tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước thấp. Điều này khiến sản xuất kinh doanh của HTX bị tác động không nhỏ.

Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng làm gia tăng sức ép cho HTX. Ngay như giá thức ăn chăn nuôi 6 tháng đầu năm vẫn tăng 0,6-2,8% so với 12/2023. Giá cát, đá tăng cao do khan hiếm… Điều này đã khiến 22,7% HTX nông nghiệp (theo Liên minh HTX Việt Nam) gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Tám, Chủ tịch HĐQT HTX Sông Hồng (Hà Nội) cho biết, hiện các HTX rất mong muốn được liên kết với doanh nghiệp để thuận lợi trong tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên cách thức kết nối với các doanh nghiệp, việc tìm kiếm được doanh nghiệp uy tín để HTX liên kết cũng là trăn trở của các thành viên.

Trước thực tế này, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH phát triển và tư vấn môi trường Dance, cho rằng trước tiên, về phía HTX cần cố gắng nâng cấp bản thân thông qua một số việc như chuẩn hóa giống, chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật từng vùng trồng. Các doanh nghiệp liên kết cần đầu tư nhà máy sản xuất đủ năng lực, kết hợp hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận thị trường thông qua hội chợ hay còn gọi là chiến lược B2B vẫn được coi là cách bán hàng hiệu quả nhất ở cả trong nước và thị trường quốc tế. Vì hình thức này giúp HTX cập nhật nhanh được thị trường, tiêu chuẩn, đồng thời tiếp cận và tương tác được với khách hàng một cách trực tiếp, từ đó làm giảm rủi ro xuất khẩu.

Các mặt hàng HTX xác định xuất khẩu phải xác định không bị vi pháp các tiêu chuẩn mà thị trường quốc tế đặt ra. Ngay như sản phẩm quế, các thị trường như Mỹ, EU hiện nay yêu cầu quá trình thu hoạch, nông dân, HTX không được chặt rừng vì rừng quế giúp giảm kim loại năng, hạn chế tác động tiêu cực từ môi trường.

Ông Trần Văn Hiếu cho biết, hiện nay nhiều tiêu chuẩn trên thị trường thế giới đã thay đổi theo hướng nông dân phải liên kết thành HTX và doanh nghiệp cũng phải thành lập HTX để đảm bảo sự đồng nhất trong sản xuất và quản lý chất lượng hàng hóa. Chính vì vậy, để đạt được những mục tiêu sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm 2024, những doanh nghiệp này cần phải tăng cường hỗ trợ các HTX trong việc tập huấn, đào tạo. Đi liền với đó là đầu tư, trang bị máy móc để bảo đảm yêu cầu về chất lượng từ các thị trường quốc tế.

Ngoài ra, một trong những khó khăn hiện nay đối với các HTX chính là môi trường đầu tư kinh doanh chưa được bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận một số nguồn lực xã hội.

Do đó, để tiếp tục thúc đẩy HTX việc điều chỉnh, bổ sung các Nghị định liên quan như Nghị định số 45/NĐ-CP, Quyết định 1804/QĐ-TTg sao cho phù hợp chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW là điều vô vùng cần thiết từ phía cơ quan quản lý nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho HTX bứt tốc trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận chính sách hỗ trợ thời gian tới.

Huyền Trang

Lượt xem: 5
Tác giả: Bức tranh tích cực
Tin liên quan