Giảm thêm thuế, phí vẫn khó bình ổn giá xăng dầu?

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao kỷ lục, có chuyên gia cho rằng kể cả khi cơ quan quản lý tiếp tục giảm thêm thuế, phí cũng không giúp bình ổn được giá xăng dầu trong nước.

Hiện nay, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế bao gồm giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (xăng RON95 là 2.000 đồng do đã giảm 50%) từ ngày 1/4.

Vì sao giảm 50% thuế bảo vệ môi trường mà giá xăng vẫn tăng cao?

Trải qua 5 kỳ điều chỉnh kể từ khi áp dụng mức giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu trong nước có 2 lần giảm và 3 lần tăng. Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 hiện là 28.950 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.980 đồng/lít – gần đạt mức đỉnh hồi giữa tháng 3 (29.820 đồng/lít với xăng RON 95 và 28.980 đồng/lít với xăng E5 RON 92).

DSC-1896-6867-1652504058.png

Giá xăng bán lẻ đã tăng lên gần 30.000 đồng/lit. 

Phải chăng việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường không có tác động nhiều đến việc bình ổn giá xăng dầu? Cơ quan điều hành cho rằng, giá xăng tăng mạnh phiên 11/5 có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, thị trường xăng dầu thế giới tuần trước đó có nhiều biến động lớn. Việc EU đưa ra đề xuất cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga và OPEC+ không tăng sản lượng so với kế hoạch như đề xuất của EU đã gây lo ngại về nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Một điểm nữa khiến giá xăng lần này tăng mạnh là do liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn (BOG) giá xăng dầu, nhưng không chi Quỹ. Còn kỳ điều hành tháng 3 lại không trích lập Quỹ BOG và tăng mạnh mức chi Quỹ BOG.

Sau các kỳ "tích cóp" vào BOG, hiện mức tồn tại Quỹ BOG của các doanh nghiệp đầu mối lớn đã khả quan hơn sau thời gian dài âm. Cụ thể, báo cáo mới nhất cho thấy Petrolimex chỉ còn âm quỹ 108 tỉ đồng (ngày 4/5), PVOil đến sáng 10/5 vẫn chưa cập nhật về con số của quỹ này, chỉ có số liệu âm 1.065 tỉ đồng tính đến ngày 21/4 (đã có 2 kỳ liên tiếp trích quỹ), Saigon Petro tính đến 28/4 còn tồn hơn 202 tỉ đồng.

Theo các doanh nghiệp, giá xăng dầu trong nước trong những kỳ điều hành vừa qua thấp hơn giá xăng dầu thế giới nhờ mức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường và chi Quỹ BOG, nếu không có mức giảm này, xăng sẽ đội lên mức giá đỉnh của nhiều năm qua.

Việc giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng. Theo ông Nguyễn Hữu Minh, Tổng giám đốc Công ty Vinamfood Việt Nam - chuyên cung cấp thực phẩm, bếp ăn cho các khu công nghiệp, giá xăng dầu tăng khiến nhiều sản phẩm thực phẩm tiêu dùng tăng. Nay, giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng. Tuy vậy, do kinh tế mới phục hồi, để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp đành "cắn răng" giảm lợi nhuận để giữ ổn định giá đầu ra.

"Các nước trên thế giới cũng đang “đau đầu” kìm chế lạm phát do giá xăng tăng mạnh. Ví dụ, tại Mỹ lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm qua, hay như EU cũng tăng kỷ lục… Còn tại Việt Nam, cơ quan quản lý cũng đang cố gắng để giữ được lạm phát ở mức mục tiêu dưới 4%".

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Quốc Phương

Ông khẳng định: “Nếu Nhà nước áp dụng chính sách giảm thuế giúp kìm giá xăng dầu thì rất dễ dẫn đến đứt gãy không chỉ khu vực vận chuyển mà tất cả lĩnh vực, bởi xăng dầu tăng giá thì tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ nối đuôi theo".

Giảm thuế, phí chỉ là biện pháp tình thế

Để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, đảm bảo chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh bình thường mới, trao đổi với VnBusiness nhiều chuyên gia và doanh nghiệp xăng dầu cho rằng mức giảm phải đủ mạnh mới có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...

Đại diện một thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu phía Bắc cho hay: “Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, doanh nghiệp không "sức nào chịu nổi". Chúng tôi mong chờ cơ quan quản lý giảm thuế thực chất hơn nữa. Chẳng hạn, giảm 100% thuế bảo vệ môi trường, và tính toán giảm thêm một số sắc thuế khác như thuế nhập khẩu. Bởi đây là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc dân, đến người dân”.

Chia sẻ với VnBusiness, chuyên gia kinh tế, TS Lê Quốc Phương cho rằng, giá xăng trong nước tăng do giá xăng dầu thế gới liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay và vẫn đang trong xu hướng tăng, trong khi đó, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới. Mặc dù hiện nay, Việt Nam đảm bảo nguồn cung trong nước được 70% sản lượng, nhưng vẫn còn 30% phải nhập khẩu.

“Hiện nay, giá xăng dầu thế giới không thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 147 USD/thùng của năm 2008. Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao, Việt Nam thực hiện một số biện pháp để giảm giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp giải quyết tình thế, chỉ giảm một phần nhỏ chứ không hy vọng giảm mạnh được”, ông Phương nói.

Chuyên gia này cho rằng, kể cả bây giờ Bộ Tài chính có đồng ý giảm thêm một loại thuế phí như VAT, thuế nhập khẩu cũng không giúp bình ổn được giá xăng dầu, thậm chí còn làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách trong bối cảnh ngân sách cũng đang rất “gay go”.

“Điều đó cho thấy, việc mong muốn giảm thuế, phí xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và Chính phủ đã thực hiện nhưng đừng mong giảm được giá xăng dầu nhiều do nguyên nhân chính là giá xăng dầu thế giới tăng rất mạnh”, ông Phương nói.

Thanh Hoa

Lượt xem: 69
Tác giả: Vì sao giảm 50% thuế bảo vệ môi trường mà giá xăng vẫn tăng cao?
Tin liên quan