Fed tăng lãi suất lần thứ 10: Không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam

Các chuyên gia đánh giá, về cơ bản, việc Fed tăng lãi suất lần này không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, bởi chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam đã khá ổn định, thậm chí Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn còn cơ hội để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % lên mức 5-5,25%. Với lần tăng lãi suất thứ 10 này, lãi suất điều hành của Fed đã lên mức cao nhất kể từ năm 2007.

Việc Fed tăng lãi suất nằm trong dự báo của các chuyên gia. Vấn đề được nhiều người quan tâm là có tác động ra sao tới kinh tế Việt Nam?

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam không chịu nhiều áp lực từ việc Fed tăng lãi suất lần này, thậm chí cơ hội giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế vẫn còn.

-4183-1683259367.jpg

Các chuyên gia đánh giá, Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % không tác động nhiều tới Việt Nam. (Minh hoạ: Int)

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ ít chịu áp lực từ quyết định tăng lãi suất lần này của Mỹ. Bởi Việt Nam đang có thặng dư thương mại khá lớn (trên 6,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm) và đồng USD của Mỹ đang trong xu thế giảm giá. Điều này sẽ giúp cho tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài ổn định hơn khi Việt Nam đã và đang có nhiều biện pháp khôi phục kinh tế.

Hơn nữa, việc Fed phát đi thông điệp không còn tăng lãi suất nữa sẽ là cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất, từ đó thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, giảm bớt những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý: Tốt nhất, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải có động thái tích cực hơn nữa để hỗ trợ cho phục hồi đà tăng trưởng của Việt Nam, nếu không kinh tế sẽ tiếp tục lao dốc trong quý II này.

Cũng cho rằng tác động từ việc Fed tăng lãi suất lần này lên kinh tế Việt Nam là không đáng kể, một số chuyên gia kinh tế phân tích: Chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang khá vững chắc. Bên cạnh đó, phía Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái rõ ràng bằng việc liên tiếp hạ lãi suất thời gian qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần động thái mạnh mẽ hơn nữa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh. Còn Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Trên thực tế, dù thời gian qua, Fed không ngừng tăng lãi suất và các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới vẫn đang trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn "ngược" xu hướng. Biểu hiện là, chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 2 lần giảm lãi suất điều hành vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Điều này theo quan điểm của ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Công ty AFA Capital, Việt Nam chấp nhận chính sách tiền tệ độc lập.

Hay nói cách khác, bối cảnh hiện nay cho thấy động thái của Fed hiện không quá quan trọng với thị trường Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn. Một số diễn biến cụ thể cũng cho thấy lãi suất tiết kiệm trên thị trường dân cư vẫn trong xu hướng hạ nhiệt, đi ngược với diễn biến của Fed. Kéo theo đó, nhiều ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tiếp giảm lãi suất điều hành, ngược chiều với thế giới,  theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: “Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là nâng cao sự ổn định, giữ vị thế đồng Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, chú trọng nhất là giữ ổn định đồng Việt Nam so với USD.

Tôi cho rằng cách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là đúng đắn, giữ ổn định tỷ giá đồng Việt Nam so với USD là một chính sách cực kỳ quan trọng để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường”.

Thanh Hoa

Lượt xem: 11
Tác giả: Thanh Hoa
Tin liên quan