Động lực nào giúp ngân hàng vẫn 'ăn nên làm ra' trong đại dịch?

Các ngân hàng đã bắt đầu cho công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với những con số khá ấn tượng dù phải chịu tác động của làn sóng COVID-19. Các nhà phân tích nhận định động lực để ngân hàng “bứt tốc” có sự hỗ trợ rất lớn từ sự hồi phục kinh tế, trong đó có sự tăng trưởng mạnh từ tín dụng trong quý cuối năm.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, các chỉ số hoạt động của các ngân hàng trong năm 2021 không hề “u ám,” mà thậm chí còn tăng trưởng tốt nhờ vào 3 yếu tố là: tín dụng tăng mạnh từ quý IV/2021; gia tăng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp và huy động tiền gửi không kỳ hạn nhằm giảm chi phí vốn.

Lợi nhuận vượt mục tiêu

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, VietinBank đã công bố kết quả kinh doanh đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch, đặc biệt với các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và thu phí dịch vụ.

1W8A4473-JPG-1492-1641781182.jpg

Tăng trưởng tín dụng phục hồi trong quý IV/2021 giúp nhiều ngân hàng vượt mục tiêu lợi nhuận năm 2022.

Cụ thể, hết năm 2021, dư nợ tín dụng bình quân của VietinBank tăng 12,3% so với năm trước. Huy động vốn được cân đối tối ưu với tốc độ tăng trưởng tín dụng, chi phí vốn tiết giảm mạnh. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đại hội cổ đông đề ra (kế hoạch lợi nhuận năm 2021 là 16.800 tỉ đồng).

Đại diện VietinBank cho biết, kết quả kinh doanh khả quan tạo nguồn lực để VietinBank tăng cường trích lập dự phòng rủi ro theo hướng thận trọng. Đáng chú ý, tỉ lệ nợ xấu được ngân hàng kiểm soát ở mức 1,3%. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện tích cực ở mức 171%, cao hơn so với năm 2020.

Báo cáo mới đây nhất của ngân hàng BIDV cho biết, tính đến 31/12/2021, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch NHNN và ĐHĐCĐ giao. Mục tiêu lợi nhuận BIDV đưa ra cho năm 2021 là 13.000 tỉ đồng trước thuế. Như vậy, nếu lợi nhuận trước thuế xoay quanh mức 13.000 tỉ đồng, lợi nhuận BIDV tăng trưởng khoảng 44-45% năm 2021.

Đáng lưu ý, tỉ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,81%, giảm gần một nửa so với năm trước. Tỉ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82 điểm % so với năm 2020. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây.

Hai “ông lớn” khác là Agribank cũng ghi nhận lợi nhuận năm 2021 đạt hơn 14.000 tỉ đồng, đồng thời ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định. Vietcombank cũng đạt mức lợi nhuận hơn 19 nghìn tỉ đồng trước thuế.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn đưa ra nhận định, nền kinh tế nói chung và ngành tài chính nói riêng phục hồi từ quý IV/2021 tạo tiền đề vững chắc để các ngân hàng trở lại mạnh mẽ hơn trong năm 2022.

Ở khối ngân hàng cổ phần, TPBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế 6.038 tỉ đồng, vượt hơn 4% so với kế hoạch đã đặt ra. Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm trước, đạt trên 1.500 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu của TPBank được cải thiện và duy trì ở mức 0,9%.

Động lực tăng trưởng đến từ đâu?

Lợi nhuận năm 2021 của nhiều ngân hàng đều hoàn thành và vượt xa chỉ tiêu đặt ra có sự hỗ trợ rất lớn từ sự hồi phục và bứt tốc mạnh quý cuối năm sau sụt giảm trong quý III/2021 do giãn cách xã hội.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, sở dĩ lợi nhuận 2021 của nhiều nhà băng vượt chỉ tiêu đưa ra trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ 4 tác động mạnh là tín dụng hồi phục và tăng trưởng mạnh trong quý cuối năm sau sụt giảm trong quý III/2021 do giãn cách xã hội.

Đồng tình, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng cho rằng, việc dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế dần hồi phục tạo kỳ vọng tích cực cho hoạt động kinh doanh ngân hàng những tháng cuối năm 2021. Đồng thời nhiều ngân hàng đã được NHNN phê duyệt nới room tín dụng là cơ hội để các ngân hàng này nâng cao tăng trưởng tín dụng và tín dụng tăng sẽ kéo nguồn thu ngoài lãi tăng theo, qua đó phần nào bù đắp cho việc phải tăng trích lập dự phòng.

Tại VIB, ông Hoàng Linh, Phó giám đốc tài chính Ngân hàng cho hay, thu nhập lãi thuần và NIM của VIB sẽ cải thiện ngay trong quý IV/2021 khi phần lớn khách hàng được cơ cấu nợ có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ.

Theo TS. Cấn Văn Lực, không chỉ trông chờ vào tín dụng, nhiều ngân hàng đã gia tăng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp như MB, Techcombank, TPBank, VPBank, MSB... nhờ đó, cải thiện được khả năng sinh lời do lãi suất cao hơn so với cho vay trực tiếp. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn tập trung huy động tiền gửi không kỳ hạn giúp giảm chi phí vốn và đây là xu hướng chung kéo dài nhiều năm trước và kể cả trong thời gian tới. Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ huy động tiền gửi không kỳ hạn cao hơn 30% (Techcombank, MB, Vietcombank, MSB), giúp các ngân hàng này có chi phí vốn thấp, từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, mảng dịch vụ cũng đóng góp quan trọng vào bức tranh lợi nhuận của nhiều nhà băng, nhất là khi các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm (bancassurance).

Giai đoạn 2021-2022, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)dự báo, lợi nhuận của ACB sẽ tăng trưởng tốc độ kép lên đến 20,8%/năm với lực đẩy mạnh mẽ từ việc ghi nhận dần số tiền trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền. YSVN đưa ra giả định, ACB sẽ ghi nhận 1.700 tỷ đồng/năm phí trả trước trong giai đoạn này, theo đó, thu nhập ngoài lãi của ACB sẽ tăng 28,4% lên 5.893 tỷ đồng năm 2021 và tăng 16,6% lên 6.559 tỷ đồng năm 2022.

Thanh Hoa

Lượt xem: 304
Tác giả: Lợi nhuận vượt mục tiêu
Tin liên quan